Ngày 8-12, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đã tổ chức Hội thảo quốc tế ICTER 2018 mang chủ đề “Đào tạo giáo viên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ, Đức, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Thái Lan cùng lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng và các sở Giáo dục và Đào tạo một số tỉnh trong cả nước.
Những bước nhảy vọt của cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức và phát sinh thêm rất nhiều ngành nghề mới trên thị trường lao động. Sự thay đổi này đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học cả tư duy những kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng. Trước bối cảnh trên, đòi hỏi đào tạo giáo viên cũng phải thay đổi theo hướng đào tạo giáo viên khu vực và giáo viên toàn cầu, với tư tưởng dạy trải nghiệm, làm trước, học sau, dạy dựa trên vốn trí thức, vốn kinh nghiệm của người học. Giáo viên không chỉ là người tổ chức nhận thức mà còn là huấn luyện viên và là người tổ chức thực hành ảo để phát triển năng lực trải nghiệm, nhằm giúp người học nắm bắt bản chất vấn đề, giải quyết và phát triển tư duy phản biện, thích ứng trong xã hội phát triển.
Hội thảo đã nhận được 60 bài viết xoay quanh các nội dung như: Quản trị đại học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Mô hình đào tạo giáo viên-kinh nghiệm trong nước và quốc tế; Công nghệ dạy học e-learning và những ứng dụng trong đào tạo giáo viên; Đào tạo giáo viên trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; Giáo dục STEM và phát triển chương trình đào tạo giáo viên STEM; Giáo dục đa văn hóa trong trường phổ thông; Giáo dục ngôn ngữ, văn hóa cho cộng đồng các dân tộc thiểu số…
Nhìn chung, các ý kiến tham luận tại Hội thảo cho rằng để có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội, vượt qua những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới, hệ thống giáo dục đại học nước ta cần đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong tổng thể chiến lược phát triển của quốc gia, mục tiêu là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, các trường đại học quốc tế để xây dựng các phòng thí nghiệm theo hình thức hợp tác công - tư; xây dựng mô hình giáo dục 4.0 theo kịp với xu hướng công nghệ hiện đại…