Đào tạo nhân lực theo đặt hàng

09:58, 19/12/2018

Xu hướng đào tạo gắn với doanh nghiệp đang được nhiều trường đại học áp dụng và coi đây là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nhà trường. Thực tế cho thấy, khi nhà trường và doanh nghiệp kết hợp với nhau thì đôi bên đều có lợi.

Đôi bên cùng có lợi

Những năm gần đây, khi các trường đại học gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, hoạt động đào tạo bắt đầu có những đổi thay căn bản là hướng đến đào tạo theo “đặt hàng” của các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp. Liên tục các chương trình “Ý tưởng khởi nghiệp”, “Kết nối cung cầu”, “Đối thoại nhà trường - nhà tuyển dụng và sinh viên”… được các trường thuộc Đại học Thái Nguyên tổ chức nhằm tư vấn về việc làm, kết nối giữa đào tạo với nhà tuyển dụng.

PGS.TS Nguyễn Duy Cương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp chia sẻ: Những năm trước 2010, Nhà trường thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt kênh thông tin về nhu cầu thị trường lao động, nguồn nhân lực là kỹ sư, để từ đó xây dựng khung chương trình đào tạo sát với thực tế, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin, định hướng cho người học. Nhưng những năm gần đây, việc nắm bắt nhu cầu nhân lực chất lượng cao, Trường đã bám sát với các doanh nghiệp và xu hướng phát triển các ngành nghề trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Còn PGS.TS Trần Văn Điền - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm cho biết: Chúng tôi xác định đường đi ngắn nhất để Nhà trường phát triển bền vững chính là định hướng của một trường đại học theo hướng ứng dụng, gắn với doanh nghiệp; sinh viên ra trường phải đạt đến độ chuyên nghiệp ở lĩnh vực mình được đào tạo. Chúng tôi cũng xác định: Chất lượng của sinh viên ra trường có đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hay không cũng chính là tiêu chí, là thước đo để chúng tôi đánh giá chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Cũng theo GS.TS Nguễn Duy Cương: Không chỉ cử sinh viên, học viên đi thực tập tại các nhà máy, doanh nghiệp mà nhiều khóa học, nhà trường đã tổ chức ngay tại các đơn vị đặt hàng là công ty, doang nghiệp. Qua đó người học không những được trải nghiệm thực tế mà còn lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích. Mặt khác, đội ngũ giảng viên có thêm được kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy.

Với PGS.TS Phạm Thị Phương Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học thì tâm đắc:"Chúng tôi có thêm dữ liệu cả lý thuyết và thực hành, từ đó quay ngược trở lại để áp dụng trong đào tạo, giúp sinh viên được tiếp cận với rất nhiều những tình huống có thật xảy ra từ trong thực tế. Và khi các em được cọ sát với thực tiễn thì các em sẽ trưởng thành hơn, tự tin hơn".

Tại Trường Đại học Nông lâm hiện Nhà trường đã ký kết hợp đồng phối hợp thực tập, tuyển dụng với trên 30 doanh nghiệp, cam kết tiếp nhận sinh viên của Trường đến làm việc sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt trong 4 năm từ 2014 đến nay, Trường đã nhận được hàng tỷ đồng từ phía doanh nghiệp đặt hàng, hỗ trợ cho hoạt động đào tạo, thực tế và nghiên cứu của sinh viên.

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp thì kết nối chặt chẽ với các đơn vị sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Với Trường Đại học Y Dược, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản “đặt hàng” mỗi năm đào tạo khoảng 100 bác sĩ điều dưỡng theo chuẩn đầu vào tuyển sinh của Trường, đồng thời tiếp tục bồi dưỡng thêm tại Nhật về kỹ thuật y học điều dưỡng hiện đại, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các nước trên thế giới.

Chuyển biến mạnh mẽ nhất chính là sự điều chỉnh khung chương trình đào tạo. Hầu hết các trường lấy kết quả sinh viên được doanh nghiệp tiếp nhận thực tế, thực tập làm kết quả báo cáo học tập. Thậm chí các trường “bắt tay” với doanh nghiệp kéo dài thêm thời gian thực tập, thực tế để nâng cao khả năng thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp, làm quen với thiết bị, công nghệ mới và quan trọng hơn là rèn nghề. Đối với doanh nghiệp, cam kết được đưa ra: “Nếu sinh viên hoàn thành tốt quá trình thực tế, thực tập, khi vào làm việc tại doanh nghiệp, sẵn sàng bỏ qua thời gian tập sự, thử việc”. Đặc biệt, mỗi đợt thực tập, sinh viên không được tham gia trực tiếp vào công việc mà còn được hưởng mọi chế độ ưu đãi của doanh nghiệp theo đúng hợp đồng ký kết với nhà trường như: Chế độ ăn, ở, bảo hiểm và được hưởng chế độ hỗ trợ từ 4-6 triệu đồng/tháng.

Dưới góc nhìn của một giảng viên, TS Nguyễn Thị Ngân, Khoa Văn - Xã hội (Đại học Khoa học) trao đổi: Nhà trường cần có các hoạt động tham vấn, ký kết các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu thực tế. Đây là hoạt động nhiều trường đại học hiện nay đang triển khai có hiệu quả cho cả sinh viên và doanh nghiệp. Có rất nhiều mô hình có thể áp dụng trong trường hợp này. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư chi phí để trường đại học tuyển chọn và đào tạo sinh viên theo nhu cầu của từng nhóm lĩnh vực và phối hợp để cùng đào tạo, hướng dẫn thực tế cho sinh viên.

Hun đúc ý chí cho sinh viên để khởi nghiệp

Với hình thức đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp thì ngoài việc tạo ra chương trình học tương đối mở, cơ chế đào tạo linh hoạt, gắn với việc hợp tác với các doanh nghiệp hoặc hiệp hội ngành nghề thì không thể không nhắc đến vai trò của giảng viên.

Với Trường Đại học Sư phạm, mặc dù chưa có nhiều doanh nghiệp đặt hàng, nhưng sinh viên sư phạm cũng đã đến với các trường học ngoài công lập, trường chất lượng cao đào tạo theo chuẩn quốc tế để thực tập hoặc được nhận vào làm giáo viên tại đây. Từ thực tế hoạt động hợp tác đào tạo, TS. Nguyễn Hữu Toàn, giảng viên của Trường đã đã có những nhận định: “Giảng viên sẽ là những người trực tiếp hướng dẫn và theo dõi cũng như hỗ trợ nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện mục tiêu đào tạo theo đặt hàng. Việc xây dựng bài giảng phù hợp với sinh viên, sắp xếp lịch thực tế, tham quan và làm việc tại doanh nghiệp sẽ do giáo viên đảm nhận. Ở lĩnh vực mang tính thực hành, phi sư phạm, việc xây dựng quy chế làm việc hợp lý cho giảng viên cũng cần được các nhà quản lý tính đến sao cho phù hợp. Việc kết hợp giảng dạy theo hình thức trợ giảng hoặc thỉnh giảng của các giám đốc, trưởng phòng ban, bộ phận ở các doanh nghiệp với giảng viên nên được xem là một hoạt động thường xuyên, đặc biệt là đối với những môn học thiên về nghiệp vụ, tác nghiệp hay thực tiễn cao. Nên chăng có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các giảng viên áp dụng hình thức giảng dạy này để tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận thực tế và đây cũng là điều kiện rất tốt để chính các giảng viên có điều kiện nắm bắt thực tiễn phong phú bên cạnh những kiến thức chuyên sâu của họ".

Ở góc độ nghiên cứu khoa học, chính từ hoạt động trải nghiệm của sinh viên, giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng vì thế trở nên thực tế hơn và sinh động hơn. Nếu như trước đây, phong tào nghiên cứu khoa học trong sinh viên chủ yếu dựa vào giảng viên, các nhà khoa học và dựa vào lý thuyết cũng như các phòng thí nghiệm đã cũ, thì nay chính sinh viên đã trực tiếp tham gia vào quá trình cải tiến kỹ thuật, đổi mới hoạt động chuyên môn từ thực tế tại cơ sở thực tập.

Năm 2014, toàn Đại học Thái Nguyên mới chỉ có gần 1.000/tổng số hơn 50.000 sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, thì đến năm 2018 đã có trên 5.000. Ấn tượng hơn là các đề tại được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế không chỉ là đơn vị hàng chục mà đã là hàng trăm. Chính vì vậy, tại các buổi hội thảo khoa học trong sinh viên cấp nhà trường, đã có hàng chục doanh nghiệp đăng ký tham gia tài trợ, hỗ trợ học bổng, cũng như tiếp sức cho sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng khoa học sáng tạo.

Từ năm 2016 đến nay, sinh viên Đại học Thái Nguyên đã nhận được hàng nghìn suất học bổng tài trợ, trong đó mỗi năm có hàng trăm sinh viên được mời tham gia các diễn đàn khoa học quốc tế, được tiếp nhận thực tế, thực tập và học tập nâng cao tại các nước. Đây chính là tiền đề cho hoạt động ươm tạo trí thức trẻ trong tương lai. Sự kết hợp "2 nhà" sẽ hỗ trợ để sinh viên thâm nhập thực tế ngay từ quá trình đi học, để khi ra trường sinh viên tiếp cận nhanh hơn với công việc. Đồng thời sự kết hợp giữa  nhà trường và doanh nghiệp chính là hun đúc ý chí cho sinh viên để khởi nghiệp chứ không thuần túy là chỉ cho sinh viên làm cái gì.