Đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch đáp ứng nhu cầu xã hội

15:05, 29/08/2019

Phát triển du lịch là phát triển “công nghiệp không khói”, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ/TW về phát triển du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Nắm bắt kịp thời chủ trương của Đảng, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân ngành Du lịch, đáp ứng nhu cầu xã hội.  

Nói đến công việc của người điều hành, phục vụ trong hoạt động du lịch, có lẽ đối tượng chúng ta thường tiếp xúc chính là hướng dẫn viên, lễ tân phục vụ bàn, quầy… Nhưng để tự tin đối diện với hàng nghìn lượt đối tượng du khách và đứng vững trong nghề họ rất cần phải qua đào tạo cơ bản.

Có lẽ chưa khi nào sinh viên năm 1 và năm 2, Khoa Du lịch của Trường Đại học Khoa học lại hào hứng với kỳ sát hạch chất lượng học tập, thực hành như những năm học gần đây. Thạc sĩ Hoàng Thị Nga, giảng viên Khoa Du lịch chia sẻ: Nếu sinh viên thực sự đam mê và chịu khó học tập, rèn luyện, sau khi vượt qua yêu cầu đánh giá chất lượng học tập, các em chắc chắn có một công việc theo đúng nghề đào tạo. Bởi lẽ, người sát hạch chính là các doanh nghiệp làm du lịch phối hợp với Nhà trường đánh giá năng lực thực hành của sinh viên. Được ký nhận hợp đồng tài trợ cho quá trình học và thực tập, nghĩa là sinh viên vừa học vừa được hỗ trợ học bổng, được tính 30-50% học phần bằng kết quả thực hành thay vì học thuộc lòng giáo trình mà không biết làm việc gì, xa rời thực tiễn…

Trong một chuyên đề báo cáo sát hạch của sinh viên năm 2, Khoa Du lịch, sinh viên Nông Thu Trang (Tuyên Quang) bắt thăm vào yêu cầu dẫn dắt thuyết minh hành trình về làng Vũ Đại. Trang tự tin vào vai: “Mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng biết nhân vật Chí Phèo, Thị Nở và bộ mặt tàn ác của Bá Kiến. Nhưng đó là phim và chuyện, còn trong cuộc đời họ là ai, tại sao lại như vậy? Có phải Chí Phèo là đại diện cho con người ăn vạ với xã hội, với cuộc đời?... Kính thưa các du khách, các bậc phụ huynh và các em học sinh, tuy say, nhưng Chí Phèo vẫn mơ hồ thấm thía nỗi khổ của thân phận. Chí Phèo là điển hình cho một bộ phận cố nông bị đẩy vào con đường lưu manh hóa. Chí Phèo là hiện tượng những người nông dân bị đè nén thái quá đã chống trả để tồn tại bằng con đường lưu manh. Hình tượng Chí Phèo là sự hủy diệt nhân tính trong xã hội độc ác, không cho con người được làm người…Vâng, chúng ta sẽ được trải nghiệm thực tế về làng quê và bối cảnh để ra đời câu chuyện mà nhà văn Nam Cao đã khắc họa nên…”

Chỉ vài câu dẫn dắt truyền cảm vậy thôi, khán phòng bỗng lặng im trong sự hồi hộp muốn có thêm nhiều hơn nữa câu chuyện về làng Vũ Đại qua cách dẫn chuyện của Trang.

Còn sinh viên Mùa Thị Lấm, là dân tộc Mông, học năm 2, khoa Du Lịch (Hà Giang) thì bắt thăm trúng phần giới thiệu về cao nguyên đá Đồng Văn, nhưng bắt buộc thuyết trình bằng tiếng Anh với thời gian 7 phút. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là Lấm đã giới thiệu trôi chảy toàn bộ bằng tiếng Anh như thể một MC trên truyền hình. Một vài câu hỏi mang tính “kiểm tra” về trình độ tiếng Anh của giám khảo là hướng dẫn viên chuyên nghiệp tham gia sát hạch đã được Lấm “xử lý” nhanh càng khiến khán phòng hồi hộp và chốc chốc lại rộ lên những tràng vỗ tay nhiệt tình cổ vũ. Lấm tâm sự: “Em chỉ học tiếng Anh khi vào học THPT, nhưng cũng không tốt lắm. Vào học ngành Du lịch, em mới thấy tiếng Anh như là phương tiện hành nghề cho tương lai của mình nên em đã tự học. Bất cứ lúc nào em cũng nghe các hướng dẫn viên nói tiếng Anh giới thiệu về du lịch thông qua mạng Internet kết nối với máy tính, hoặc điện thoại. Em nói, giới thiệu với bạn, giới thiệu với “Tây ba lô” và khi nào họ hiểu được thôi. Cứ như vậy em bắt đầu tìm thấy đam mê trong học tập”.

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Giám đốc Công ty du lịch Dạ Hương cho biết: Hàng năm, Công ty tiếp nhận từ 30-50 sinh viên của Trường Đại học Khoa học thực tập, đồng thời có hỗ trợ học bổng khi sinh viên trực tiếp làm việc. Về ưu điểm là các bạn sinh viên có phông kiến thức ngày càng tốt hơn, trẻ, nhiệt tình và đam mê. Nhược điểm là điều kiện cuộc sống của các em còn khó khăn, nên việc đi thực tế, trải nghiệm chưa nhiều, giao tiếp xã hội còn hạn chế, trong khi yêu cầu về du lịch ngày càng khắt khe hơn và cần liên tục tích lũy kiến thức văn hóa, lịch sử, xã hội, thậm chí cả tâm lý, kinh tế… Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, mỗi năm nước ta cần trên 40 nghìn người làm du lịch qua đào tạo, nhưng thực tế lực lượng đào tạo qua đại học mỗi năm chỉ cung cấp được gần 2.000 cử nhân, 20.000 lao động qua học nghề.

Với phương pháp đào tạo gắn với thực tiễn, ngành Du lịch của Trường Đại học Khoa học sẽ là nơi tạo nguồn nhân lực du lịch cho các tỉnh phía Bắc. Theo PSG.TS Nguyễn Văn  Đăng, Hiệu trưởng Nhà trường: Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm Trường nhận được từ 200-300 đơn đặt hàng tuyển dụng cử nhân ngành Du lịch; đồng thời mỗi năm có từ 20-30 doanh nghiệp du lịch trong khu vực ký kết nhận thực tập có tài trợ học bổng và tham gia đánh giá sát hạch chất lượng sinh viên theo từng năm học. Đây chính là cơ hội để lĩnh vực đào tạo du lịch tồn tại và phát triển, song vấn đề chính là sinh viên tốt nghiệp phải đạt chuẩn đầu ra theo đánh giá chất lượng của nhà tuyển dụng.