Vai trò của giáo viên trước tác động cách mạng công nghệ 4.0

11:38, 09/09/2019

Vai trò của người thầy sẽ như thế nào để giúp cho chính họ và sinh viên, học sinh điều chỉnh những thay đổi xã hội? GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã có những trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên về nội dung này nhân dịp năm học mới 2019-2020.

PV: Thưa GS, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động như thế nào đến người thầy? Năng lực giảng viên, giáo viên sẽ cần bổ sung yếu tố gì trước cuộc cách mạng 4.0?

GS. TS Phạm Hồng Quang: Người thầy cần xác định vấn đề cần quan tâm đặc biệt là đối tượng người học ngày nay rất khác trước, với động cơ tình cảm và sự quan tâm rộng hơn về cả không gian và thời gian. Nếu trước đây học để tham gia một vài lĩnh vực thì ngày nay người học quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực - chính điều này giúp họ tồn tại trong xã hội thay đổi. Do vậy, phải có cách tiếp cận khác, không giống cách cũ. Theo khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế, vai trò giáo viên trong thế kỷ XXI trở nên phức tạp ở một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi mà tri thức hầu như vô tận. Dạy học phân hóa là quan điểm phải được quan tâm đặc biệt. Người thầy phải quan tâm đến từng người, nhu cầu của họ rất khác nhau trong lớp học không đồng nhất, nhiệm vụ chính của giáo viên là tạo môi trường học tập, tạo điều kiện để họ có cơ hội học tập theo phương pháp tích cực và sáng tạo. Các trường đại học, trong đó các trường sư phạm đang đối diện nhiều cơ hội và thách thức to lớn. sự biến đổi lớn về vai trò người dạy - truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, họ phải chuyển sang chức năng hướng dẫn người học.

P.V: Kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và xóa mù thông tin. Cách dạy cũ không thể tạo ra những công dân thích hợp cho thế kỷ XXI - những công dân toàn cầu. Vậy, vai trò của người thầy sẽ là gì để giúp chính họ và sinh viên điều chỉnh những thay đổi xã hội?

GS. TS Phạm Hồng Quang: Chúng ta đào tạo giáo viên là chuyên gia truyền đạt kiến thức hay chuyên gia giáo dục? Người ta đã bắt đầu quan tâm đến câu hỏi của người học: Đến trường để làm gì nếu không có gì mới hơn sách điện tử, công nghệ dạy học được trang bị đầy đủ với không gian rộng hơn rất nhiều lớp học và vô số “ông thầy” ngoài người thầy (là duy nhất) trong lớp học kiểu cũ; đối tượng giao tiếp sẽ lớn hơn rất nhiều so với số lượng bạn bè trong lớp học… Năng lực và vị trí người thầy ở đâu nếu không phải là người hướng dẫn, xúc tác giúp sinh viên biết tự định hướng trong học tập? Mỗi nhà giáo ở thế kỉ XXI cần hiểu rằng: sự thay đổi là sống còn và phải chấp nhận, chuẩn bị cho mình phát triển. không có cách nào tối ưu hơn việc chúng ta phải hiểu sâu sắc công việc của chính mình để quyết định thành công của bản thân và xã hội trong tương lai.

P.V: Vậy theo GS, làm thế nào để người giảng viên đại học sư phạm có thể vượt qua khó khăn này?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Để vượt qua khó khăn, người giảng viên phải trở lại 3 chức năng rất quan trọng của mình: Chức năng sáng tạo, chức năng phản biện và chức năng giáo dục. sự hòa quyện giữa trình độ trí tuệ của nhà khoa học với nhà giáo ở đại học là nền tảng để người giảng viên trụ vững trong tương lai. Về mặt định tính, tiêu chí người giảng viên phải có sức cảm hóa thông quan hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học khi tiếp cận sinh viên, phải truyền được cảm hứng đến với họ; thúc đẩy và lan tỏa rộng cả về nhân cách, thái độ và những kỹ năng cơ bản.

Đối với giảng viên sư phạm, năng lực và phẩm chất của họ còn phải dựa trên nền tảng nhà giáo, đó là sự kết nối giữa năng lực nhà khoa học và nhà sư phạm (ở đại học-tầm chuyên gia, ở phổ thông - người giáo viên giỏi). Đã là nhà giáo, điều quan trọng đầu tiên là phải luôn có ý tưởng mới, đi trước thời đại và chỉ dẫn - khai sáng và thúc đẩy, tìm tòi và tạo điều kiện, chức năng nhà giáo “sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo” lại càng thể hiện rõ nhất trong thời điểm hiện nay.

Ngày nay, chức năng giáo viên đã thay đổi, tập trung vào 8 điểm (theo UNESCO): Đảm nhận nhiều chức năng, có trách nhiệm nặng hơn trong việc lựa chọn nội dung dạy học và giáo dục; Tổ chức việc học của học sinh, sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội; cá biệt hóa học tập, thay đổi tính chất trong quan hệ thầy trò; sử dụng rộng rãi hơn những phương tiện dạy học hiện đại; hợp tác rộng rãi và chặt chẽ hơn với các giáo viên cùng trường, thay đổi quan hệ giữa các giáo viên với nhau; thắt chặt hơn mối quan hệ với cha mẹ học sinh và cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; yêu cầu giáo viên tham gia hoạt động rộng rãi trong và ngoài nhà trường; giảm bớt và thay đổi kiểu uy tín truyền thống trong quan hệ với học sinh nhất là đối với học sinh lớn và với cha mẹ học sinh.

P.V: GS có thể chia sẻ cụ thể hơn quan điểm của mình về giáo dục khai phóng? Giáo dục khai phóng có ý nghĩa như thế nào đối với thực tế hiện nay của chúng ta, đặc biệt khi chúng ta chuẩn bị triển khai chương trình, SGK mới?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Giáo dục khai phóng không bị trói buộc vào những môn học nào đó, kiểu như triết học, lịch sử, văn chương, âm nhạc, nghệ thuật, và những môn được gọi là “khoa học nhân văn” khác. Tuy nhiên mục đích của nền giáo dục khai phóng lại không phải là sản sinh ra những nhà khoa học. Nó cố tìm cách để phát triển những con người tự do biết cách sử dụng trí tuệ của mình và có thể độc lập suy nghĩ. Mục đích hàng đầu của nó không phải là phát triển khả năng chuyên môn, dù một nền giáo dục khai phóng là không thể thiếu được đối với bất kỳ một nghề chuyên môn về đầu óc nào... Nền giáo dục khai phóng, bao gồm tất cả các môn học truyền thống cũng như những ngành khoa học mới hơn, là rất quan yếu cho việc phát triển những nhà khoa học hàng đầu...

Với đặc trưng của giáo dục khai phóng và trước thách thức của cách mạng công nghệ 4.0, vấn đề giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đang đứng trước cơ hội và thách thức. Có ý kiến cho rằng giáo viên giảng dạy tích hợp khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục mới, tuy nhiên cần nhìn vấn đề ở góc độ khác. Năng lực giáo viên đã được đào tạo theo mô hình học vấn nền tảng rộng, do vậy khả năng thích ứng sẽ giúp giáo viên bắt nhịp với yêu cầu đổi mới. Trên thực tế, người giáo viên giỏi là người đã sử dụng kiến thức tích hợp liên môn, họ có học vấn rộng và sâu, phương pháp tiếp cận liên ngành và nhờ đó có sức hấp dẫn cao đối với người học. Các trường sư phạm có sứ mệnh quan trọng đó là đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!



Gói 5G Viettel tại vietteldata.vnGói cước 5G Viettel tháng tại 5gviettel.vn Lắp internet Viettel Dịch vụ lưu trữ website giá rẻ in hộp giấy Tư vấn mua Máy quét 3D cao cấp Boss Luxury bán Đồng hồ Rolex chính hãng