Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Thái Nguyên, cô giáo Dương Thị Thanh đã xin về giảng dạy bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCs) Liên Minh (Võ Nhai). Dù gặp không ít khó khăn trong quá trình giảng dạy, nhưng cô Thanh luôn nỗ lực vượt qua và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận như: 6 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 6 năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 2 năm học gần đây, cô đều đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Kể về những ngày mới “chân ướt chân ráo” về Liên Minh dạy học, cô giáo Thanh cho biết: Thời điểm ấy, cơ sở vật chất của Trường còn nhiều thiếu thốn, tôi và các đồng nghiệp phải ăn, ở, sinh hoạt chung trong dãy nhà tập thể cấp 4 đã xuống cấp. Hôm nào trời mưa to, nước theo những chỗ dột rơi xuống, đọng thành vũng trên nền nhà. Năm 2006, ở đây cũng chưa được phủ sóng điện thoại nên việc liên lạc với gia đình, người thân rất khó khăn. Mỗi tuần tôi chỉ về một lần, nếu đi từ sáng sớm thì đến tối mịt mới về đến nhà. Hôm trời nắng, lọc cọc đạp xe, đến nhà, người bám đầy bụi đất. Còn những hôm mưa phùn, gió bấc, vượt qua con đường nhầy nhụa, cả người tôi lấm lem bùn đất. Mỗi lần trở lại trường, tôi phải mua rất nhiều thực phẩm mang theo vì ở đây 5 ngày mới có một phiên chợ…
Điều kiện đi lại, ăn ở khó khăn như vậy, việc dạy học còn khó khăn hơn. Cô giáo Thanh chia sẻ: Trên 50% số học sinh là người dân tộc Dao, Nùng. Nhiều em nói tiếng Kinh còn chưa sõi, vì thế các em thường hát không đúng lời, đúng giai điệu. Để các em nghe được rõ lời và hát đúng, tôi thường hát mẫu hoặc mở đĩa nhạc cho học sinh lắng nghe và cảm nhận. Khi hát, tôi chú ý đến giọng hát, cách hát và việc sử dụng nhạc cụ của mình để truyền cảm được nội dung bài hát đến các em. Tôi cùng các em luyện tập từng đoạn của bài hát, để câu hát không ê a, rời rạc, phát âm nhả tiếng rõ lời. Cùng với đó là rèn luyện cho các em sự tự tin, tinh thần tập thể khi thể hiện các bài hát.
Đối với bộ môn Mỹ thuật, để thúc đẩy phong trào học mỹ thuật tại trường hiệu quả, cô giáo Thanh đã sáng tạo ra nhiều cách dạy phù hợp nhằm giúp học sinh sáng tạo hơn. Cụ thể, cô đã hướng dẫn học sinh cách quan sát từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống để các bài vẽ thêm phần sinh động. Trong tiết học Mỹ thuật của cô giáo Thanh, học sinh được tham khảo nhiều tranh, ảnh, tác phẩm hội họa phong phú, sinh động, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng cho riêng mình.
Theo cô giáo Thanh, trong quan niệm nhiều người, bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật vẫn là một môn phụ. Hầu như phụ huynh chỉ chú trọng đến các môn như Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học… trong khi những môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật góp phần rất lớn vào việc hình thành nhân cách, bồi đắp tâm hồn, tình cảm cho học sinh lại chưa được quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, trường cũng chưa có phòng chức năng riêng biệt dành cho bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Bởi vậy, để hoàn thành tốt việc giảng dạy những bộ môn này cho học sinh, trong các giờ học, cô giáo Thanh đã tận dụng những thiết bị cá nhân như loa không dây, máy tính, đồ dùng trực quan để giúp các em tiếp thu bài giảng tốt hơn.
Không chỉ hoàn tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Thanh còn nhận được những tình cảm tốt đẹp từ các đồng nghiệp. Anh Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Liên Minh: Nhà trường đánh giá rất cao những nỗ lực của cô giáo Thanh. Không chỉ vững vàng về trình độ chuyên môn, cô còn luôn có ý thức tìm tòi, sáng tạo, đi đầu trong công tác đổi mới dạy học. Đặc biệt, cô là người cầu thị, có ý thức học hỏi những đồng nghiệp đi trước. Trong cuộc sống, cô luôn hòa nhã với mọi người.
Say mê với nghề, cô giáo Dương Thị Thanh đã gặt hái được những thành công nhất định, song với cô kết quả lớn hơn cả là tình yêu của các thế hệ học sinh dành chô cô.