Hiện nay, việc thực hiện tự chủ tại các trường đại học Việt Nam đang là một vấn đề thời sự, nhất là đối với các đại học vùng như Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) khi thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Ðại học chính thức có hiệu lực từ tháng 11-2019.
Tự chủ đại học của Đại học vùng tiến tới thực hiện việc tự chủ đại học tại các trường, nhưng vẫn bảo đảm tính thống nhất về vai trò Đại học vùng là mối trăn trở của các nhà quản lý và sự quan tâm của xã hội. Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐHTN thì Đại học Thái Nguyên đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, như theo mô hình đại học vùng chưa gắn liền với chính sách đầu tư, kinh phí hoạt động thường xuyên, các chương trình, dự án hỗ trợ thường xuyên. Mâu thuẫn giữa quản lý tập trung với tư cách là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực với đòi hỏi phân cấp ngày càng nhiều hơn cho các trường thành viên. Các đại học vùng khi có được cơ chế mới phải cam kết tập trung mọi nguồn lực, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ và cơ sở vật chất, tài chính, quản lý,… để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu phục vụ cộng đồng. Nếu tăng tính tự chủ cao theo luật sẽ phát huy mạnh mẽ tính sáng tạo trong phát triển các chương trình đào tạo, thích ứng với sự thay đổi toàn cầu và nhu cầu của xã hội.
Mới đây, tại Hội thảo quốc tế về tự chủ đại học đối với đại học vùng và các trường thành viên, do ĐHTN đăng cai, ông Kurt Larsen, chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng thế giới WB cho rằng: Tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường đại học trong xu hướng toàn cầu là tất yếu và đổi lại việc tự chủ, Chính phủ hy vọng các trường đại học phải chịu trách nhiệm về bốn điều: Tuân thủ các mục tiêu và chính sách quốc gia; duy trì chất lượng học thuật; trung thực về tài chính và giá trị đồng tiền; quản lý - quản trị tốt. Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình của các trường đại học trong vấn đề tự chủ cũng được ông Kurt Larsen chỉ rõ: Các đại học cần duy trì chất lượng giáo dục và sự liêm chính trong học thuật với hệ thống đảm bảo chất lượng đáng tin cậy, báo cáo hiệu suất hàng năm cho thấy sự tiến bộ so với từng mục tiêu chiến lược và kế hoạch hàng năm của trường đại học. Đồng thời, các trường đại học cần chia sẻ công khai thông tin về sinh viên, chỉ số hiệu suất của trường đại học, báo cáo tài chính và biên bản các cuộc họp của hội đồng trường đại học...
Theo GS.TS Đặng Văn Minh, giảng viên cao cấp ĐHTN thì đại học vùng, Chính phủ chỉ nên giao quyền tự chủ cho đại học, các trường thành viên sẽ do đại học giao tự chủ từng phần đảm bảo nhiệm vụ chung; cơ cấu đại học vùng nên quy định như 2 Đại học Quốc gia. Đặc biệt, Chính phủ sớm ban hành nghị định tự chủ cho các trường đại học, cần có lộ trình cụ thể, tăng sự giám sát của Nhà nước để tránh bất công trong giáo dục, đào tạo; đầu tư có trọng điểm và xóa bỏ việc thu thuế từ các khoản thu phí với các trường đại học công lập và tư thục phi lợi nhuận. Các chuyên gia Chương trình giáo dục Australia đề xuất: Nhà nước cần chuyên nghiệp hóa cơ quan chuyên trách, thường xuyên điều tra, công bố nhu cầu nhân lực, các dự báo, dự đoán xu hướng ngành nghề… trung và dài hạn để các trường đại học hoàn thiện chiến lược của mình. Sớm triển khai quy hoạch sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống các trường đại học, giảm số lượng các trường công lập; các trường đại học quy mô tuyển sinh nhỏ, đội ngũ mỏng thì sáp nhập, Nhà nước giao nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo cho các trường đại học và đầu tư đủ chi phí nghiên cứu, đào tạo.
Có thể nói, bức tranh về đại học vùng là phong phú và tầm bao quát rộng để thực hiện các mục tiêu căn bản về đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nhanh chóng hội nhập quốc tế cho vùng, khu vực. Những điều kiện cần thiết để đại học vùng giữ vững và phát huy vị thế là trung tâm đào tạo đa ngành trong giai đoạn hiện nay rất cần đến chính sách đầu tư trọng điểm của Nhà nước và cơ chế tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự trong quản trị đại học và chương trình đào tạo. Để giải quyết căn bản các vấn đề trên, bản thân các trường đại học phải tự vận động để nâng cao chất lượng toàn diện thì mới thu hút được người học. Bên cạnh đó, vấn đề đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế thì đại học vùng phải gắn bó chặt chẽ với địa phương để tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương bằng chính các sản phẩm khoa học và công nghệ có tính thực tiễn và cạnh tranh cao.