Dạy học Online: Tiện nhưng chưa thuận

08:51, 17/04/2020

Mặc dù là giải pháp tình thế, nhưng sau gần 2 tháng thực hiện dạy học trực tuyến (online), đội ngũ giáo viên các cấp đã phải nỗ lực rất lớn để thực hiện thuần thục thêm các kỹ năng về công nghệ thông tin. Thực tế việc học online là rất tiện ích, nhưng điều kiện phục vụ dạy học online chưa đồng bộ, dẫn đến chất lượng, hiệu quả không đồng đều.

Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các đơn vị, trường học tổ chức dạy bài mới, kiến thức mới cho học sinh qua Internet, truyền hình từ giữa tháng 3-2020. Theo đó, với những học sinh không thể tham gia được, nhà trường có thể hỗ trợ học tập bằng hình thức in sao (bản cứng) chuyển đến tay học sinh và hàng tuần, học sinh giao nộp bài tập lại cho nhà trường trực tuyến hoặc trực tiếp. Đã có nhiều hình thức dạy học trực tuyến cho học sinh thông qua các phần mềm Zalo, Messenger, Facebook, Zoom... song thực tế điệu kiện hạ tầng về trực tuyến chưa đồng bộ đã phát sinh nhiều bất cập. 

Cô giáo Nguyễn Thị Soi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Có những lớp, 100% phụ huynh tham gia mạng xã hội nhưng có những lớp chỉ khoảng 50% phụ huynh có điện thoại kết nối Internet. Chưa kể, nhiều phụ huynh vốn đã mặc định phó thác việc dạy học cho con của họ là nhiệm vụ của nhà trường, nên ít hỗ trợ cho học sinh trong quá trình tự học ở nhà. Bên cạnh đó, thiết bị không phải gia đình nào cũng có thể kết nối tốt với dạy học trực tuyến”. Không chỉ khó về điều kiện thiết bị, đường truyền dẫn, mà trong tổ chức dạy học cũng đã phát sinh nhiều trở ngại với giáo viên. Cô Vũ Thị Bích Hường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đại Từ chia sẻ: Nếu một hoạt động diễn ra không suôn sẻ, học sinh thấy khó khăn để thực hiện, các em sẽ rời đi và không theo dõi lớp học nữa.

Đành rằng, việc dạy học online có một số thuận lợi như tiết kiệm thời gian, giáo viên có thể làm việc tại nhà; bài giảng được ghi hình nên học sinh có thể xem lại. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có đôi lúc lớp học phải ngưng lại vì mất kết nối, khó biết học sinh có học nghiêm túc hay chỉ bật máy lên rồi làm việc khác. Giáo viên cũng không biết tâm trạng học trò ra sao để tiếp tục bài giảng. Tốc độ Internet mỗi nơi khác nhau nên có thể nhiều người nghe không kịp bài giảng. Khối lượng công việc của giáo viên cũng nhiều thêm như chấm bài, phản hồi bình luận và trợ giúp về kỹ thuật cho cả học sinh, phụ huynh. Một số nơi phải tổ chức dạy học buổi tối, vì học sinh phụ thuộc thiết bị máy tính, điện thoại thông minh của phụ huynh... Ngoài ra, giáo viên phải thường xuyên kiểm tra tin nhắn và email của các em để phản hồi.

Thầy giáo Phùng Đức Lai, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Định Hóa phân tích: Với điều kiện như hiện tại thì việc tổ chức dạy học online chủ yếu để duy trì việc học của học sinh, còn giáo viên cũng chỉ giảng bài mang tính ôn tập, củng cố kiến thức cho các em. Dạy online đòi hỏi người dạy phải tinh gọn bài giảng. Nếu dài quá, người xem dễ bị ngán và phân tán sự chú ý. Ngoài ra, một số bài giảng online dùng video và các câu hỏi trắc nghiệm cũng như bài tập kèm theo, nên giáo viên phải quay các clip trước. Về kỹ thuật hình ảnh, các giáo viên bộ môn không thể thuần thục, thậm chí là không am hiểu sâu, nhất là với giáo viên dạy các môn khoa học xã hội. Nhược điểm của cách làm này là chất lượng âm thanh không tốt, còn lẫn tạp âm... Bên cạnh đó, các trường vẫn chủ yếu sử dụng phần mềm miễn phí, nên thời lượng chỉ được 40 phút, đường truyền kém, hay bị đứt quãng. Chính vì vậy, không ít tình huống, giáo viên cứ giảng mà học sinh không nghe được. Đến bây giờ chưa thể nói hết tính hiệu quả của phương pháp dạy học online trong bối cảnh như hiện nay. Tuy nhiên, về góc độ sư phạm thì rõ ràng là không thể tương tác bằng trực tiếp trên lớp, giáo viên không thể biết học sinh cảm nhận thế nào. Hạn chế lớn nhất của dạy học online chính là hạ tầng, môi trường phục vụ chưa đáp ứng được yêu cầu, nên người học dễ nhàm chán.   

Theo đánh giá của ngành GD&ĐT việc dạy học online, dạy học trên truyền hình, đến nay, 100% các cơ sở giáo dục toàn tỉnh đã được triển khai. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tham gia hoạt động dạy học trực tuyến còn hạn chế, cấp THPT đạt 81,93%, cấp THCS đạt 70,65%, giáo dục thường xuyên đạt 53,31%. Còn, tại các trường khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến, học qua kênh truyền hình chỉ đạt từ 40-50%.