Nhìn trường, nhìn lớp, nhìn vào ánh mắt trong veo của trẻ, những khuôn mặt còn lấm lem bụi đất nhưng rạng rỡ những nụ cười hồn nhiên đã khiến cho tình yêu nghề, mến trẻ trong cô dầy thêm. Đó cũng là động lực để cô giáo Nguyễn Thị Vân, Trường Mầm non xã Thượng Nung (Võ Nhai) quyết định gắn bó với lớp học vùng cao. Và mỗi ngày cô giáo vượt núi gần 50 cây số đến với các em nhỏ bản Lũng Hoài, để theo đuổi khát vọng thắp sáng những ước mơ xanh cho trẻ em vùng đặc biệt khó khăn.
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền... đó là lời bài hát của tuổi thiếu nhi mà ai cũng thuộc, nhưng với tôi, đó là hoài niệm và khát vọng tuổi thơ. Tôi mồ côi cả cha và mẹ từ nhỏ, nên suốt cuộc đời học sinh của mình chỉ có cô giáo như chính mẹ mình vậy. Và duyên nghiệp thành giáo viên đến với tôi như một lẽ tự nhiên vậy!”. Cô Vân tâm sự với chúng tôi trong khoảnh khắc ngắn ngủi vào giờ lớp học nghỉ trưa.
Từ trung tâm xã ngược dốc lên hơn 4 cây số là đến Bản Lũng Hoài của hơn bốn chục nóc nhà đồng bào Mông. Để đến được những căn nhà nằm chênh vênh bên sườn núi phải mất từ 1, đến 2 tiếng, còn đến hết từng nhà cũng phải vài ngày leo dốc và đạp đá tai mèo. Ấy vậy mà năm 2018, khi về điểm trường Lũng Hoài nhận công tác, cô Vân đã mất 5 ngày trước khai giảng năm học mới để đến từng nhà thăm bà con trong bản và động viên các bậc phụ huynh đưa con trong độ tuổi ra lớp học. Sau chuyến đi đó, cô Vân bị cảm phải nghỉ ốm và về trường chính nghỉ dưỡng. Cô Vân nhớ lại: “Do chưa có kinh nghiệm đi bộ đường rừng, gặp mưa, nước ngấm vào người và bị cảm. Lúc ấy, tôi chỉ muốn mau khỏe để trở về nhà với chồng và con nhỏ...Gần ngày khai giảng, Trường bản và một vài phụ huynh đến hỏi thăm, động viên. Dù bà con không biết nói nhiều, các em nhỏ theo mẹ ngơ ngác nhìn tôi. Nhưng tôi hiểu từ những ánh nhìn đầy hy vọng của phụ huynh, từ những búi gừng núi đá bà con mang xuống để cho tôi đánh gió giải cảm... bà con đang mong có cô giáo. Và tôi như được tiếp thêm nghị lực vững bước với nghề”.
Sinh năm 1990, tại xã Tràng Xá (Võ Nhai), học hết phổ thông, với ước mơ trở thành cô giáo, cô giáo Nguyễn Thị Vân theo học Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo. Ra trường, cô Vân đi làm công việc đúng chuyên môn tại các trường mầm non vùng nông thôn. Sẵn có năng khiếu họa, nên đến đâu cô cũng tranh thủ vẽ tranh trong khuôn viên các nhà trường, làm đồ chơi cho trẻ. Chính từ những việc làm tâm huyết và sáng tạo phục vụ nuôi và dạy trẻ mầm non mà liên tục từ 3 năm từ năm 2018, cô giáo Nguyễn Thị Vân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Năm học 2019-2020, cô giáo Nguyễn Thị Vân đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, đồng thời đoạt giải Nhì tại Hội thi sáng chế đồ dùng dạy học tự tạo cấp tỉnh. Cô Vân chia sẻ: “Trường học phải như mái ấm gia đình thu hút trẻ ra lớp ngày một đông hơn, các con được chăm sóc đủ dinh dưỡng để học tập tốt”. Khó khăn nhất cô Vân và những giáo viên cắm bản phải tự mình nỗ lực vượt qua là học tiếng đồng bào dân tộc.
Cô Vân nhớ lại: “Trước khi nhận công tác tại Lũng Hoài, tôi đã mất đúng 3 tháng hè để tự học tiếng Mông. Bởi không biết tiếng sẽ bất đồng ngôn ngữ, nhất là trẻ nhỏ dân tộc Mông hầu như chưa biết nói tiếng Việt. Cùng với nhiệm vụ chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non vùng cao còn phải thực hiện nhiệm vụ dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi ra lớp 1. Ba tháng cộng với thời gian bám bản, tôi đã giao tiếp được tiếng Mông. Cứ kiên trì vừa dạy vừa phiên dịch, đến độ 4-5 tuổi là các em đã nói thông thạo tiếng Việt, để rồi khi ra lớp 1 các em theo kịp việc học chữ, đánh vần...”.
Thời gian bám lớp, bám bản bận rộn là vậy, nhưng ngày nghỉ, cô Vân vẫn thường xuyên đi lượm vỏ chai nhựa, lốp xe ô tô cũ và nhiều vật liệu qua sử dụng khác để cắt, gọt, lắp ghép, sơn màu...tạo ra những con thú, trái cây, đồ chơi rồi mang lớp cho các em trải nghiệm. Có những thứ quả mà vùng cao không có, cô Vân lại tiết kiệm tiền mua đến lớp cho các em nhận biết và cùng chia cho học trò ăn giữa ca. Với giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa như cô Vân thì buổi sáng thường bắt đầu từ 4h30 là phải rời nhà lên núi để kịp đón trẻ vào lớp.
Cô Vân cho biết: Lớp học mầm non Lũng Hoài hiện có 27 trẻ, trong đó có đến chục em từ 2, đến 3 tuổi. Các bé cũng rời nhà từ 6h sáng men theo lối mòn đến lớp. Đa số các em tự dắt nhau đi bộ theo các anh, chị học lớp 2, lớp 3 ở trường tiểu học. Còn bố, mẹ các em đa số đi làm công nhân, sau hàng tuần mới về. Ở bản Lũng Hoài mấy năm gần đây trẻ em thường ở với ông, bà và tự đưa đón nhau đến lớp học hàng ngày. Chính vì vậy mỗi khi chiều xuống, các cô giáo phải tìm người thân các em đón về nhà mới an tâm xuống núi. Những hôm mưa to, bão lớn, cả cô, trò cùng quây quần nấu ăn và ngủ lại trong lớp học đón ngày mới tại điểm trường.
Khó khăn với lớp học vùng cao và giáo viên cắm bản là vậy, nhưng cô Vân cùng các đồng nghiệp như chưa lúc nào vơi đi tinh thần lạc quan yêu nghề, mến trẻ. Mỗi ngày cô và đồng nghiệp lại mang đến trường những đồ dùng dạy học tự chế. Khi thì hoa, quả, khi là những chiếc xe ô tô, tòa nhà tầng...để các em thỏa sức khám phá và sáng tạo. Có lẽ với trẻ mầm non vùng cao tình cảm các em dành cho cô giáo chính là tiếng gọi thân thương: Cô xưng con. Điều đó như là động lực để các cô miệt mài thắp sáng những ước mơ xanh cho trẻ em vùng cao.