Ươm mầm trên vùng cao

10:45, 21/12/2020

Trường Mầm non Liên Minh nằm ở xã vùng cao phía Nam của huyện Võ Nhai, là xã đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo còn đông. Trường hiện có 45 giáo viên, nhân viên đang chăm sóc, dạy dỗ 276 trẻ tại 5 điểm trường. Vượt qua những khó khăn đặc thù, Nhà trường đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Với trên 60% số trẻ là con em đồng bào dân tộc Dao thì việc vận động trẻ ra lớp tại Trường Mầm non Liên Minh vẫn gặp nhiều khó khăn. Hầu như năm nào Nhà trường cũng phải tổ chức đi vận động trẻ ra lớp. Nếu như tháng 3, vào mùa hái măng rừng, là lúc trẻ đến lớp đông nhất (vì các gia đình phải gửi con để đi hái măng, kiếm thêm thu nhập), thì vào đầu năm học mới là thời điểm trẻ đến trường thưa thớt hơn. Vì điều kiện sống của bà con đa phần còn gặp nhiều khó khăn, cùng với nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số về sự học con em mình còn hạn chế nên các gia đình chủ yếu để ông bà trông cháu hay để đứa lớn trông đứa bé chứ không ý thức được việc cho trẻ đến trường.

Cô giáo Hiệu trưởng Vi Ngọc Hà cho biêt: Đầu năm học này, chúng tôi đã phải đi vận động các hộ gia đình ở xóm Nho. Không phải gia đình nào lần đầu đến vận động họ cũng nghe, nên chúng tôi phải đến nhiều lần hỏi thăm, động viên và tâm sự để phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc cho trẻ đến trường; cho trẻ đi học mầm non đúng tuổi; khi đến trường trẻ được hỗ trợ chi phí học tập, ăn trưa, miễn giảm học phí. Nhà trường cũng phối hợp với các ban, đoàn thể của xã như dân số, phụ nữ, y tế thôn bản, đoàn thanh niên… cùng đi đến từng thôn, xóm huy động trẻ. Nhờ vậy mà những năm gần đây, nhận thức của bà con dần thay đổi, phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Số trẻ mầm non ra lớp đã tăng dần. Tỷ lệ trẻ chuyên cần luôn đạt gần 96%; 100% trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn đã hoàn thành chương trình Giáo dục mầm non.

Cùng với việc vận động trẻ ra lớp, trong giảng dạy, các giáo viên còn phải khắc phục khó khăn khi nhiều trẻ chưa nói sõi tiếng Việt, vì thế, Nhà trường xác định tăng cường tiếng Việt cho trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Cô giáo Lương Thị Kiều dạy tại Điểm trường Khuân Nang tâm sự: Những ngày mới đi dạy học, chúng tôi đều gặp phải tình trạng bất đồng ngôn ngữ với trẻ. Nhiều lúc giao tiếp với bạn trên lớp, trẻ vẫn sử dụng tiếng dân tộc. Ngoài việc rèn kỹ năng giúp trẻ phát âm đúng, nói đầy đủ, sửa tật ngọng, để đạt hiệu quả, tôi thường tổ chức những trò chơi hay cho trẻ đóng vai các nhân vật trong truyện. Khi trẻ tham gia chơi bắt buộc phải linh hoạt trong ngôn ngữ giao tiếp để giải quyết các tình huống. Từ đó, ngôn ngữ tiếng Việt của trẻ mạch lạc hơn, trẻ lại thích giao tiếp, thích gần gũi với cô giáo, bạn bè và dần dần sự tự tin giao tiếp.

Trái ngược với hình dung của chúng tôi về một ngôi trường nằm ở vùng sâu với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, diện mạo Trường Mầm non Liên Minh khá khang trang. Cô giáo Vi Ngọc Hà, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ:Thời điểm năm 2010, Trường có 7 điểm trường lẻ (Ngọc Mỹ, Nho, Nác 1, Nác 2, Khuân Nang, Nhâu, Vang, Kẹ) và 1 điểm trường chính đều phải học nhờ tại nhà văn hóa xóm. Do phải tận dụng nhà văn hóa nên những hôm thôn, xóm có việc phải họp hành, cô và trẻ đành phải nghỉ học. Bếp ăn được dựng tạm bợ bằng những tấm ván ghép, đun nấu bằng củi. Nguồn nước uống được các cô giáo lấy trực tiếp từ khe suối hoặc xin ở nhà dân. Một trong những khó khăn nữa là đường đi vào những điểm lẻ như Khuân Nang, Nác vẫn là đường rừng. Chỉ có những giáo viên cắm bản, quen tay quen đường mới dám lái xe máy qua những con đường sỏi đá, cheo leo trên sườn núi. Trước những khó khăn đó, Trường đã tham mưu cấp trên và được Phòng GĐ-ĐT huyện, UBND huyện dành nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Nhà trường.Đến nay, sau khi ghép các điểm trường thì 4 điểm trường lẻ đều đã được xây dựng nhà lớp học khang trang, khu bếp ăn mới, nước giếng khoan… Điểm trường chính đã có khu nhà hiệu bộ, các phòng chức năng, hệ thống tường rào, sân bê tông, nhà giáo dục thể chất... Đường đi đến các điểm trường lẻ cũng đã thuận tiện hơn. Được học những phòng học mới, trẻ càng thêm yêu trường, yêu lớp, đây cũng là động lực để Nhà trường tiếp tục nỗ lực vươn lên.

Tận mắt chứng kiến sự thay đổi tích cực của Trường Mầm non Liên Minh, mới thấy được hết nỗ lực, cố gắng của tập thể giáo viên Nhà trường. Càng thấy rõ những nỗ lực ấy, chúng tôi càng khâm phục hơn tấm lòng của các cô giáo nơi đây, những người miệt mài bám trường, bám lớp để nuôi dưỡng, chắp cánh cho bao thế hệ trẻ em vùng cao.