Gỡ khó tuyển sinh cho các trường dân tộc nội trú

12:09, 24/08/2021

Các xã miền núi vùng khó khăn khi được công nhận đã vượt ngưỡng khó khăn sẽ không còn được thụ hưởng hoặc bị cắt giảm một số chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách tuyển sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT). Vùng tuyển sinh thu hẹp, số lượng học sinh trong diện hưởng chính sách giảm khiến các trường DTNT đang gặp khó khăn về tuyển sinh trước năm học mới này.

Năm học mới đã cận kề, nhưng các trường phổ thông DTNT cấp THCS trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 6. Ngoại trừ Trường PT DTNT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Võ Nhai) đã tuyển đủ học sinh theo chỉ tiêu, do huyện còn nhiều xã khó khăn và nhiều học sinh trong diện tuyển sinh, còn lại 4 trường thuộc các huyện Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ đều khó tuyển.

Khó nhất là Trường PTDTNT Trung học cơ sở Đại Từ. Năm học 2021-2022, Trường được giao 70 chỉ tiêu nhưng đến nay chưa tuyển được học sinh nào do toàn bộ các xã thuộc vùng tuyển sinh đã không còn là xã khó khăn (vùng III).

Trường PTDTNT Trung học cơ sở Phú Lương cũng gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Đỗ Thị thu Hường, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Năm học 2021-2022, Trường được giao chỉ tiêu tuyển 90 học sinh (trong đó huyện Phú Lương 71; huyện Phú Bình 10; T.P Thái Nguyên 6; T.X Phổ Yên 3). Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện chỉ còn duy nhất xã Yên Trạch thuộc khu vực III và chỉ có 26 học sinh trong diện tuyển sinh”.

Trong khi đó, Trường nội trú huyện Định Hóa mới được đầu tư hoàn thiện năm 2020 với kinh phí hàng chục tỷ đồng, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất học tập cho trên 300 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, nhưng đến nay mới chỉ tuyển được 28 học sinh vào lớp 6 do vùng tuyển sinh bị thu hẹp. Nhà trường đang tập trung xây dựng kế hoạch cho số hơn 250 học sinh lớp 7, đến lớp 9. Các điều kiện dạy và học cho lớp 6 tuyển mới vẫn tạm bỏ trống.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ chăm sóc vườn rau, vệ sinh môi trường.

Được biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã có nhiều địa phương được điều chỉnh một số chính sách với các vùng khó khăn, miền núi. Chịu tác động lớn nhất là giảm vùng tuyển sinh cho các trường PTDTNT vốn đã được đầu tư bài bản.

Trước khi thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg, toàn tỉnh đang có 36 xã khu vực III và 184 thôn (khu vực I, II) đặc biệt khó khăn, thì nay giảm xuống còn 14 xã khu vực III và 50 thôn (khu vực I, II) đặc biệt khó khăn.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa: Trước mắt tỉnh cần có hướng dẫn tuyển sinh kịp thời cho năm học 2021-2022 đối với các trường PTDTNT trên địa bàn, bảo đảm ổn định cho năm học. Về lâu dài cần có những chính sách phù hợp với việc duy trì hệ thống các trường PTDTNT.

Trên thực tế, các hộ gia đình mới được công nhận thoát nghèo, ở nơi mới được đưa ra khỏi vùng III, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trước những ảnh hưởng của dịch, bệnh COVID-19. Các trường nội trú hiện đã được đầu tư cơ sở vật chất khá đầy đủ, điều kiện dạy và học, ở nội trú tốt, nếu không vận hành hết công suất sẽ lãng phí và nhanh xuống cấp.

Bản chất của hệ thống trường PTDTNT tại các huyện chính là mô hình giáo dục và đào tạo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, thực hiện chính sách về dân tộc, miền núi và tạo nguồn cán bộ cho vùng dân tộc thiểu số. Do đó cần được duy trì, nếu không sẽ khó thu hút được học sinh trong độ tuổi đến trường học và nguy cơ học sinh bỏ học ngay từ cấp THCS.