Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh những ngày gần đây, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, các cấp học trên địa bàn tỉnh đã chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Đây không còn là việc mới với các thầy, cô giáo, phụ huynh và các em học sinh, nhưng những hạn chế từ hình thức học này vẫn khiến nhiều người trăn trở.
Tinh, tinh, tinh… “Đề nghị phụ huynh gọi con vào lớp”; “Cô ơi cho em vào lớp với”; “Các em đợi cô nhé, chỗ cô đang báo lỗi mạng”, “Cô nhắn giúp cho xin ID và mật khẩu, link cháu không vào được”… Chiếc điện thoại của tôi mấy ngày nay cứ luôn trong tình trạng báo tin nhắn liên hồi từ ứng dụng Zalo với những nội dung như thế.
Thời buổi công nghệ số nên hầu hết các thầy, cô chủ nhiệm ở các cấp học đều lập một nhóm chat trên ứng dụng Zalo để kết nối với phụ huynh và học sinh. Đương nhiên, khi các nhà trường phải chuyển sang trạng thái dạy học trực tuyến thì nhóm chat này phát huy hết “công suất”.
Nếu không cập nhật tin nhắn thì đôi khi giáo viên báo có sự thay đổi lịch học hay những việc liên quan đến con mình, phụ huynh sẽ không biết để kịp thời nhắc con; còn cập nhật thì quả thực nhiều khi ảnh hưởng không ít tới công việc.
Lý do là bởi, học sinh học online tại nhà, nhưng phần lớn các gia đình, phụ huynh phải đi làm nên nhiều em do không có ai thúc giục đã ngủ quá giờ vào lớp, khiến giáo viên phải thông báo để phụ huynh gọi con dậy.
Tôi làm một cuộc khảo sát nhanh với học sinh cấp 2 và cấp 3 về những điều các em cho là hơn và không bằng học trực tiếp, hầu hết các em đều cho rằng: Học trực tuyến thích hơn ở điểm không phải dậy sớm; không phải đi ra đường chịu mưa, chịu lạnh; được ăn mặc tự do, thoái mái hơn khi học… Nhưng, cũng gần như từng ấy ý kiến nhận thấy rằng học trực tuyến không hiệu quả bằng học trực tiếp, bởi các lý do như: Khi học có nhiều chỗ chưa hiểu, dù có hỏi lại được thì thầy, cô giải thích trên mạng cũng không thể rõ bằng trực tiếp, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài.
Em Nguyễn Văn Đạt, học sinh lớp 11, Trường PTTH Đồng Hỷ, chia sẻ: Học trực tuyến chúng em thường tắt míc, tắc cam (ca-me-ra của máy) khi học nên nhiều bạn làm việc riêng, không chú ý nghe giảng. Có những bạn thì nhắn tin nói chuyện riêng với nhau; có bạn vào nhầm cả phòng học của lớp khác nhưng không hề hay biết; có bạn sau khi vào lớp, bật máy để đó và ngủ tiếp.
Trong đợt học trực tuyến trở lại này, các trường trên địa bàn tỉnh dùng khá nhiều các phần mềm khác nhau, có thể kể đến, như: Zoom, Zavi, Microsoft Teams… Những sự cố kỹ thuật phát sinh trong quá trình học cũng là điều khiến chất lượng của nhiều tiết học bị ảnh hưởng. Em Nguyễn Ngọc Thùy Dương, học sinh lớp 8, Trường THCS Chùa Hang II, nói: Điều em cảm thấy không thoải mái nhất khi học trực tuyến là mạng hay lỗi. Có khi trong một tiết học em bị “bật” ra khỏi lớp mấy lần khiến bài học bị gián đoạn và nhiều chỗ em không kịp hiểu. Nhưng học trực tuyến, nhiều thầy, cô gửi bài giảng bằng video, nhờ thế mà chúng em có thể xem lại bài giảng bất cứ lúc nào. Đó là điều em thích nhất.
Với con trẻ là vậy, còn với các bậc cha mẹ, ngoài nỗi lo không thể ở nhà giám sát, đốc thúc con học hành nghiêm túc, không có người trông con (với những học sinh bé) khiến cuộc sống bị đảo lộn thì vẫn còn vô vàn lo lắng khác.
Chị Trần Thu Hạnh, xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, T.P Thái Nguyên, bày tỏ quan điểm: Trong lúc dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc cho các con học ở nhà khiến chúng tôi yên tâm hơn. Tuy nhiên, tôi cảm thấy việc học trực tuyến có nhiều khi hơi hình thức. Ví dụ như nhiều thầy cô gửi video bài giảng và giao bài cho học sinh làm chỉ cho có lệ. Nhiều lần tôi kiểm tra vở bài tập của con, có bài cháu làm sai nhưng không thấy cô giáo yêu cầu cháu phải làm lại hay chữa bài. Hơn nữa, các cháu nhìn màn hình máy tính và điện thoại nhiều sẽ hại cho mắt...
Bên cạnh đó còn có nỗi lo khi những học sinh bé phải sử dụng thiết bị điện trong khi người lớn không ở nhà; việc đảm bảo đủ máy tính, điện thoại thông minh cho con học cũng là gánh nặng với không ít gia đình.