Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới trong cộng đồng ngày càng tăng cao, để thích ứng an toàn, linh hoạt, các trường học trên địa bàn huyện Định Hóa đã cho học sinh kết hợp học trực tiếp và trực tuyến hoặc chuyển hẳn sang học trực tuyến.
Trong những ngày qua, huyện Định Hóa liên tục ghi nhận hàng trăm ca mắc COVID-19 mới, trong đó có nhiều trường hợp là học sinh, giáo viên, cán bộ trong trường học, phụ huynh học sinh.
Theo thống kê, chỉ tính từ ngày 15-2 đến nay đã có trên 100 học sinh, giáo viên, cán bộ tại các trường trên địa bàn được ghi nhận mắc COVID-19. Trước diễn biến đó, ngành Giáo dục huyện Định Hóa đã cho học sinh từ mầm non đến THCS chuyển sang học trực tuyến từ ngày 21-2 (ngoại trừ Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa). Ngay khi có thông báo chuyển sang học trực tuyến, nhiều trường đã nhanh chóng triển khai các phương án đã chuẩn bị trước đó để các em học sinh theo kịp tiến độ chương trình.
Thầy Bùi Quang Trọng, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đình, cho biết: Từ đầu đợt dịch đến nay, Nhà trường có 2 học sinh là F0, và 10 học sinh, giáo viên thuộc diện F1. Do đó, trước ngày 21-2, Nhà trường đã cho một số lớp nghỉ học để thực hiện phòng, chống dịch. Để các em học sinh nghỉ học có thể theo kịp chương trình học, chúng tôi áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, hỗ trợ tối đa cho giáo viên, học sinh về thiết bị học, đảm bảo chất lượng giảng dạy. Đối với các em học sinh ở vùng lõm sóng 4G, chúng tôi cho các em học theo nhóm tại nơi có đường truyền Internet ổn định. Còn các em nhà xa, khu vực xung quanh đều không có sóng 4G, chúng tôi đề nghị giáo viên bộ môn gửi bài tập, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên.
Còn Trường THCS Tân Thịnh đã được các ban, ngành của tỉnh, huyện hỗ trợ 91 thiết bị học trực tuyến cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, theo rà soát của các Nhà trường, 100% học sinh có thiết bị học trực tuyến. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 30 em học sinh khó tiếp cận với việc học trực tuyến hoặc hoàn toàn không thể tiếp cận do không có đường truyền Internet hoặc vùng lõm sóng 4G. Do đó, bên cạnh việc thầy, cô giáo gửi bài tập, Nhà trường cũng có chuẩn bị nhiều phương án ôn luyện lại chương trình học để tránh học sinh bị rỗng kiến thức.
Cô Phan Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thịnh, cho biết: Trường có 229 học sinh với 8 lớp. Mặc dù Trường chưa ghi nhận học sinh mắc COVID-19 nhưng vẫn chuyển sang dạy học trực tuyến để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Đối với các học sinh tại vùng lõm sóng 4G, Nhà trường đề nghị các thầy, cô giáo gửi bài và trao đổi trực tiếp qua điện thoại để giải đáp bài, hướng dẫn các em.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa, cho biết: Thời gian qua, trên 700 em học sinh nghèo được các ban, ngành của tỉnh, huyện hỗ trợ thiết bị học trực tuyến, nhưng việc học trực tuyến đối với địa bàn miền núi như Định Hóa vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do đường truyền Internet không ổn định. Theo rà soát của Ngành, hiện nay, toàn huyện có 16 điểm lõm sóng 4G, trong đó, nhiều nhất là xã Tân Thịnh với 8 xóm. Bên cạnh việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch, chúng tôi cũng yêu cầu các nhà trường chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn đối với từng điều kiện cụ thể để đảm bảo tiến độ chương trình.
Việc linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học cũng cho thấy, ngành Giáo dục huyện Định Hóa đã và đang cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học. Dù học trực tuyến hay trực tiếp, chất lượng bài giảng vẫn được các thầy, cô giáo, các nhà trường quan tâm để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, triển khai nội dung học kỳ II theo đúng tiến độ, đủ nội dung chương trình.