Nhân rộng các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng

15:23, 28/03/2022

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 387/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030”.

Mục tiêu cụ thể Chương trình đặt ra đến năm 2025 là cả nước có 70% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 65% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 65% cộng đồng (thôn bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”... Đến năm 2030, 80% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; 75% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 75% cộng đồng được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”…

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình là bổ sung, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình học tập trong xã hội. Cụ thể, tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và ban hành bộ tiêu chí đánh giá các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập... Cùng với đó là đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến về xây dựng và phát triển các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị.

Nhiệm vụ, giải pháp khác của Chương trình đề ra là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng các mô hình học tập. Cụ thể, nghiên cứu, xây dựng phần mềm nhằm số hóa và triển khai thực hiện trên nền tảng công nghệ số việc thu thập minh chứng, cho điểm, đánh giá, tổng hợp, báo cáo... việc thực hiện các bộ tiêu chí xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” theo các mục tiêu của Chương trình; xây dựng trang thông tin điện tử trên cơ sở kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu về tài nguyên thông tin thư viện, hệ tri thức Việt số hóa và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác... 

Thủ tướng Chính phủ giao Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội để triển khai thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn Hội khuyến học các cấp triển khai tổ chức thực hiện Chương trình tại địa phương mình; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và ban hành các bộ tiêu chí theo hướng nâng cao chất lượng các mô hình “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”và “đơn vị học tập”; kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động và hiệu quả triển khai Chương trình của các địa phương…

Đồng thời, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá tác động và hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”…



Các dạng bài ielts writing task 2