"Nghề làm cha mẹ"

12:06, 13/06/2022

Đến nhà anh chị, tôi thấy đứa cháu gái đang mếu máo khóc, còn chị giọng bực bội: “Cô xem, nhà có khốn khó đến mức nào mà nó bày đặt làm bánh bán cho bạn. Học thì không chịu học, chỉ suốt ngày bánh với trái”.

Thì ra cháu có sở thích làm bánh. Cháu có thể ngồi cả ngày cân cân đong đong bột đường nhưng không thể ngồi yên với những con tính trong các bài toán thầy, cô giao. Rồi cháu lại thích kinh doanh, bán những chiếc bánh mình làm cho bạn. Được chúng bạn khen, cháu thích lắm. Chỉ khổ anh chị tôi e ngại người nọ, người kia nói mình không khéo dạy nên để con học kém.

Cũng như vậy, khi nói về một đứa trẻ chưa ngoan, cãi lại bố mẹ... nhiều người vẫn đổ lỗi tại bố mẹ không biết dạy con. Dù xã hội đã thay đổi nhiều trong cách nhìn nhận, đánh giá con người, nhưng nhiều người vẫn đổ lỗi cho bố mẹ nếu một đứa trẻ thích múa hát, chơi thể thao hơn thích học. Thậm chí với cả một đứa trẻ học giỏi nhưng kỹ năng xã hội chưa tốt, phần lỗi cũng thuộc về bố mẹ...

Vì khó khăn và nhiều áp lực thế nên nhiều người gọi việc làm cha mẹ thời nay là một nghề: Nghề làm cha mẹ. Thậm chí đây được ví là một trong những nghề khó khăn nhất.

Gọi là nghề bởi làm cha mẹ có khả năng tạo ra “sản phẩm” là những công dân tương lai của đất nước. Nghề được làm song song với cơm, áo, gạo, tiền, với mưu cầu sự nghiệp, những mối quan hệ xã hội chằng chéo và áp lực.

Sau ngày dài làm việc, trở về nhà, mỗi bậc cha mẹ lại đối diện với việc học của con, từ kèm cặp đến đưa đón đi học, rồi hàng loạt hóa đơn học chính, học thêm, thi cử, kỹ năng... Có hằng hà sa số thứ cần để phục vụ nhu cầu lứa tuổi của con trẻ. Nuôi được một đứa trẻ hoàn thiện về thể chất và tinh thần quả không hề đơn giản.

Thế nhưng “nghề làm cha mẹ” không giống các nghề khác bởi trước hết cha mẹ không có lương. Cha mẹ lại chẳng trải qua một trường lớp bài bản nào. Họ cóp nhặt những bài học từ trải nghiệm bản thân, từ bố mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, từ những quan niệm xã hội và cả từ sách vở đủ cả đông tây kim cổ...

“Nghề làm cha mẹ” càng khó khăn hơn bởi mỗi đứa trẻ là "một thế giới thu nhỏ". Chúng không giống chúng ta khi nhỏ, cũng chẳng như “con nhà người ta”, chúng lại thay đổi tính nết từng giai đoạn cuộc đời.... Thậm chí, cùng một gia đình, cùng một cách giáo dục mà con trẻ vẫn mỗi đứa mỗi tính.

Làm cha mẹ, mỗi người chỉ có thể vừa làm, vừa tự rút kinh nghiệm để thay đổi bản thân mình và con cái. Không cha mẹ nào có thể nhìn người khác dạy con để vận dụng hoàn toàn làm phương pháp giáo dục hiệu quả cho con mình.

Trong quá trình làm bố mẹ, không một ai dám nói hay, khẳng định rằng mình chưa hề phạm sai lầm nào. Ai cũng muốn thấu hiểu con nhưng có lẽ không bố mẹ nào dám tự nhận mình hoàn toàn hiểu con và phương pháp của mình hoàn toàn đúng. Thậm chí có những thứ cha mẹ hôm nay nghĩ rằng đúng khi dạy con nhưng ngày mai không còn đúng nữa.

Nếu hiểu điều đó, có lẽ anh chị tôi nên tự hào vì con mình, hướng dẫn để con biết hài hòa giữa học tập và sở thích thay vì các hành xử nêu trên.