Lên với miền biên viễn Hà Giang

Hữu Minh 16:34, 27/04/2023

GS-TS Phạm Hồng Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) nêu ý kiến: Đào tạo thời nay phải lấy nơi sử dụng cán bộ là đích đến. Trong đích đến ấy có ưu tiên vùng sâu, vùng xa, miền biên ải. Nếu đào tạo tại chỗ tốt sẽ có lợi nhiều bề... Vậy là chúng tôi may mắn được tham gia đoàn khảo sát tại miền biên viễn Hà Giang, địa phương vừa mở một phân hiệu của ĐHTN .

Đặc biệt, Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Hà Giang ưu tiên phát triển nhóm ngành Sư phạm, góp phần quan trọng khắc phục tình trạng thiếu trên 3.000 giáo viên tại tỉnh vùng cao này. Ảnh: T.L
Phân hiệu ĐHTN tại Hà Giang ưu tiên phát triển nhóm ngành Sư phạm, góp phần khắc phục tình trạng thiếu trên 3.000 giáo viên tại tỉnh vùng cao này. (Ảnh: T.L)

Không biết tự bao giờ, câu cách ngôn: “Thứ nhất Su Phì, thứ nhì Bắc Mê” lại thành câu cửa miệng của nhiều người để nói về sự xa xôi, cách trở, đường đi khó ở vùng núi cao của Hà Giang. Đoàn chúng tôi cũng đi trên con đường ấy, con đường từ TP. Hà Giang đi huyện Đồng Văn rồi từ đấy ngang về Mèo Vạc, qua huyện Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng, về huyện Bắc Mê (Hà Giang)… Con đường quanh co, gấp khúc, cheo leo và rất đỗi trập trùng, hùng vĩ.

Rất may trên xe là PGS-TS Trần Thanh Vân; PGS-TS Nguyễn Thanh Hà hay PGS-TS Ngô Văn Giới… những người đã hơn một lần qua đây. Vì các thầy cũng trưởng thành từ những nghiên cứu, trải nghiệm và ứng dụng nơi biên viễn của núi rừng Việt Bắc xa xôi nhưng thân thuộc này.

Nói như lời PGS-TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc ĐHTN: Về Hà Giang với các thầy, cô của ĐHTN như về nhà. Bao nhiêu lớp cán bộ quản lý của tỉnh hôm nay, từ kinh tế đến văn hoá - xã hội, đều từng học tập tại ĐHTN. Họ nồng hậu đón tiếp, tâm sự, chia sẻ… Ấm áp vô cùng!

Bất giác, tôi chợt nhớ những câu thơ dung dị của nhà thơ người dân tộc Dao Bàn Tài Đoàn: 

"Xưa con khóc đòi cơm chấm muối
Mẹ tìm đâu ra muối con ơi
Nín đi lát nữa cha về chợ
Mua đầy hũ muối dỗ con tôi
Cánh liếp xác xơ vừa kẹt mở
Con thôi không khóc, đón cha vào
Kìa sao yên lặng cha không nói
Con hỏi muối đâu cha lắc đầu…
…Từ khi cán bộ Cụ Hồ đến
Chợ nhiều dầu, thuốc, lắm vải hoa
Từng bồ muối trắng đầy ăm ắp
Đây muối miền xuôi, muối Cụ Hồ…
Cụ còn bảo ta đi đào đất
Mở đường to lên đỉnh Đồng Văn…"

Nghĩ mà thầm cảm phục, biết ơn bao thế hệ cha anh đã tay không đẽo đá mở đường, rồi lại trào dâng xúc động trước tấm bia tại Mã Pí Lèng - ghi danh 14 liệt sĩ đã ngã xuống khi mở Con đường Hạnh phúc nối từ Đồng Văn đến Mèo Vạc…

***

Đi ra từ thực tế của nền kinh tế chia sẻ, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần sẻ chia nguồn lực để tạo điều kiện tốt nhất cho người học và cả các địa phương trong thời kỳ phát triển nhanh chóng của xã hội. 

Nằm trong xu thế đó, đến nay có 2 phân hiệu của ĐHTN ở Lào Cai và Hà Giang. Vốn là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có bề dầy kinh nghiệm và năng lực đào tạo, sự gắn kết với các tỉnh vùng sâu, vùng xa trong đào tạo của ĐHTN đã, đang và sẽ góp sức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.

Tại Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh và một số ngành, chúng tôi nhận thấy rõ những khó khăn khi thiếu cán bộ. Chỉ riêng ngành Giáo dục Hà Giang, đến năm 2030 cũng đã cần tới 4.000 giáo viên…

Đồng chí Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, nêu ý kiến: Hà Giang là tỉnh vùng cao, nơi có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống và rất cần cán bộ là người địa phương… Có phân hiệu đại học rồi, cần thêm chính sách động viên trong cử tuyển người học và địa chỉ làm việc sau khi học thì chắc chắn sẽ có chuyển biến mới.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Văn Chinh: Việc ĐHTN thành lập phân hiệu tại Hà Giang với phương châm đào tạo tổng hợp, đa ngành là một thuận lợi quan trọng và cần thiết. Không riêng Đồng Văn, con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh sẽ có thêm điều kiện học tập và cống hiến cho quê hương. Những ngành đào tạo như sư phạm, y dược, tài nguyên và môi trường, nông - lâm nghiệp, kinh tế - quản trị kinh doanh, tài chính, văn hoá… chúng tôi đều rất cần.

Tại Bắc Mê, khi trao đổi với đồng chí Lý Hải Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện, chúng tôi cũng thấy toát lên một tinh thần hợp tác vì quyền lợi đồng bào. Đồng chí Vĩnh trao đổi thêm: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc, là an toàn khu, “cái nôi” của cách mạng Việt Nam. Đồng thời là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nhanh và bền vững; tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú; có nhiều di sản văn hoá đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số... Do vậy, nguồn nhân lực có chất lượng mà ĐHTN và các địa phương đào tạo sẽ rất hiệu quả, đóng góp thiết thực cho sự phát triển chung của cả vùng.

Về việc mở phân hiệu, GS-TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng ĐHTN, luôn quán triệt với các cộng sự: Mở các phân hiệu rõ ràng là một xu hướng tốt, nhưng nó gắn liền với các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực cũng như sự đồng hành trong ý chí của từng địa phương. Hiện tại, ĐHTN đang đào tạo các ngành, hệ với khoảng 65 nghìn sinh viên. Việc đào tạo tại chỗ của các phân hiệu sẽ nâng sĩ số sinh viên lên, thách thức chắc chắn sẽ có. Tuy nhiên, ĐHTN đã đặt ra mục tiêu và sẽ kiên trì thực hiện để Phân hiệu không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế, không phụ sự trông đợi của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang và các địa phương lân cận...