Tự chủ đại học: Chính sách "cởi trói" nhưng còn vướng mắc

Hằng Nga 16:12, 27/05/2023

Tự chủ trong giáo dục đại học là chủ trương xuyên suốt được triển khai từ nhiều năm qua trong vấn đề tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính, tài sản; học thuật và hoạt động chuyên môn. Hoạt động thực hiện tự chủ tại các trường đại học trên cả nước đang từng bước được triển khai, trong đó có các trường thuộc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN). Tuy nhiên, khi triển khai các trường đại học vẫn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ kịp thời.

Giờ học thực hành của sinh viên Khoa Kỹ thuật ô tô và máy động lực Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐHTN).
Giờ học thực hành của sinh viên Khoa Kỹ thuật ô tô và máy động lực, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐHTN).

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp là một trong những trường thành viên của ĐHTN sớm được hưởng những chính sách đặc thù và quyền tự chủ dành cho đại học vùng. Đến nay, Nhà trường đã tự chủ từng bước về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và chuyên môn theo quy định. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính chủ yếu phụ thuộc vào thu học phí, nên chỉ đáp ứng được kinh phí chi thường xuyên ở mức hạn hẹp. Vì vậy, với Nhà trường, để tự chủ hoàn toàn là tương đối khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, thông tin: Việc tự chủ đại học đang từng bước được thực thi trong Nhà trường, tuân thủ theo luật và các quy định do ĐHTN ban hành. Song hơn 10 năm qua, Nhà trường chưa nhận được sự đầu tư đáng kể nào. Theo định hướng tự chủ, kinh phí đầu tư hàng năm của Nhà nước sẽ giảm dần. Trong khi đó, nguồn tuyển sinh không được dồi dào nên Nhà trường rất khó tạo ra thế và lực để phát triển.

Tôi đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, có cơ chế phù hợp để các trường được tự chủ một phần số lượng người lao động làm việc tại các đơn vị, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ và chuẩn bị đội ngũ giảng viên cho tương lai; có văn bản hướng dẫn để các trường đại học huy động được nguồn lực từ xã hội cho đầu tư phát triển trường và các loại hình dịch vụ phục vụ người học, hoạt động sản xuất trong trường để hỗ trợ cho công tác đào tạo, nhất là thực hành, thực tập.

PGS.TS Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp

Đối với Trường Đại học Sư phạm, công tác tự chủ đại học đang từng bước được thực hiện. Cơ cấu tổ chức của Nhà trường đã cơ bản được hoàn chỉnh theo quy định của luật. Nhà trường từng bước tự chủ được về học thuật, chuyên môn, biên chế tổ chức bộ máy và tài chính.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông khai thác hiệu quả phòng Lap do CÔNG TY TNHH SAMSUNG ELECTRONICS VIỆT NAM THÁI NGUYÊN tài trợ trong giảng dạy, học tập.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐHTN) hiện đang khai thác hiệu quả phòng Lap do Công ty Samsung điện tử Thái Nguyên tài trợ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Hà Trần Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm: Vẫn còn tồn tại khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của mọi người, trong đó trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học là rất lớn. Từ đó đòi hỏi tập thể lãnh đạo các trường, viên chức và người lao động của đơn vị phải đồng lòng, chung sức vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Hiện nay, một số văn bản quản lý chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành nên việc thực thi nhiệm vụ về tự chủ đại học trong cơ sở giáo dục đại học còn gặp khó khăn. Nguồn lực tài chính của các trường chủ yếu phụ thuộc vào học phí, trong khi đó phần kinh phí này cơ bản chỉ đáp ứng được nhu cầu chi thường xuyên. Do đó, để tích lũy được một khoản chi cho công tác đầu tư phát triển của trường là rất khó.

PGS.TS Hà Trần Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm

Tự chủ đại học là chính sách "cởi trói" về mặt cơ chế để các trường nâng cao chất lượng, xóa bỏ "rào cản" quan liêu, bao cấp. Tự chủ là cơ hội để các trường tạo sức đột phá, phát huy tối đa nội lực, vận hành tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn; đồng thời tăng tính cạnh tranh giữa các trường, tạo điều kiện để đa dạng hóa hoạt động giáo dục đại học.

Mặc dù vậy, khi thực hiện Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Nghị định số 99/2019/NĐ-CP) cũng bộc lộ những tồn tại, như: Vấn đề bổ nhiệm hiệu trưởng, tỷ lệ thành viên hội đồng ngoài trường đại học, thủ tục thay thế thành viên hội đồng trường, các trường trực thuộc đại học vùng chưa có những hướng dẫn cụ thể…

Nói về vấn đề này, PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: Chúng tôi rất mong muốn các cơ chế, chính sách được điều chỉnh phù hợp hơn với quá trình tự chủ đại học. Ví dụ như câu chuyện tự chủ về mặt nhân sự đối với các trường sẽ được thực hiện như thế nào? Đặc biệt, đối với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông là trường thành viên của đại học vùng, là mô hình đại học hai cấp, chúng tôi cần những chủ trương, chính sách, văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa về mô hình tự chủ cho đại học trực thuộc đại học vùng.

Đánh giá về quá trình triển khai chủ trương tự chủ đại học thời gian qua, PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN, nhấn mạnh: Để giao quyền tự chủ cho các đơn vị trực thuộc ĐHTN trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng trường và giao quyền tự chủ ở các mức độ khác nhau. Qua đó giúp các trường đã được giao quyền tự chủ phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị cũng như tạo cơ chế thuận lợi để các trường đại học, cơ sở giáo dục của ĐHTN hoạt động tốt và có hiệu quả.

Cũng theo PGS.TS Hoàng Văn Hùng: Với những khó khăn, vướng mắc các trường đã nêu về việc sửa đổi Nghị định số 99/2019/NĐ-CP là rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về tăng cường tự chủ đại học; tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn triển khai cũng như đẩy mạnh thực hiện việc phân cấp, phân quyền, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, nâng cao chất lượng giáo dục đại học...

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP. Đây là cơ hội để các trường đại học trong cả nước nói chung, các trường thành viên ĐHTN nói riêng, thực hiện hiệu quả việc tự chủ. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học.



ngành kỹ thuật phần mềm Đại học Duy Tân