Lớp học không biên giới là lớp học vượt qua "4 bức tường", giáo viên có thể “mang cả thế giới” vào lớp học của mình bằng sự kết nối với tiết học ở các vùng, miền trong nước hoặc bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Mô hình này được xây dựng trên nền tảng công nghệ cao và có những lợi thế như: Không có rào cản về địa lý; học sinh được tham gia môi trường học tập với các bạn bè, giáo viên, chuyên gia trên phạm vi toàn cầu; phát triển kỹ năng giao tiếp với ngôn ngữ quốc tế...
Trong tiết học của chương trình Giáo dục địa phương lớp 4 giữa 3 trường: Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Tiểu học Trưng Vương và Tiểu học Tân Cương (TP. Thái Nguyên), học sinh cùng tìm hiểu về vùng chè Tân Cương nổi tiếng của Thái Nguyên. |
Nhận rõ được những ưu thế này, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên) đã xây dựng mô hình "Lớp học không biên giới", bước đầu cho thấy hiệu quả nhất định trong việc giúp học sinh có những trải nghiệm học tập thú vị và mở rộng được phạm vi học tập cho các em.
Các tiết học được Nhà trường tổ chức trong không gian lớp học trên MS Team và sử dụng các phần mềm: MS Powerpoint, Quzizzi, Padlet, đã giúp học sinh có thể gặp gỡ, trao đổi kiến thức, thông tin với các bạn, các giáo viên trên khắp vùng, miền của đất nước cũng như trên thế giới.
Cô giáo Kim Ngọc, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Năm học 2022-2023, chúng tôi đã kết nối thành công tiết học đầu tiên với Trường Tiểu học Tức Tranh (Phú Lương) để học sinh lớp 3 tìm hiểu về điệu múa Tắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh. Qua tiết học, cô và trò cùng khám phá nét đặc sắc của Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, để hiểu hơn về nhạc cụ, điệu múa, rồi cùng nhau biểu diễn tại sân khấu của lớp học...
Từ đó, Nhà trường tiếp tục tổ chức các tiết học theo mô hình này. Gần đây, Trường đã kết nối tiết học với 2 trường: Tiểu học Trưng Vương và Tiểu học Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Qua tiết học, các em học sinh lớp 4 cùng tìm hiểu nét đặc trưng và thế mạnh địa lý, cũng như sản phẩm chè Tân Cương nổi tiếng bao đời nay của người dân Thái Nguyên.
Kết nối xa hơn nhằm thu hẹp khoảng cách địa lý và hiểu thêm về văn hóa vùng, miền, các giáo viên đã tổ chức tiết học giữa học sinh lớp 4D của Nhà trường với các em học sinh lớp 4, lớp 5, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP. Lào Cai). Với sự lôi cuốn của tiết học, các em cùng học tập, trao đổi trong tiết Địa lý: Hoàng Liên Sơn - Thiên nhiên và con người. Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đã cùng tìm hiểu, khám phá về cảnh đẹp của Sa Pa (Lào Cai) thông qua chia sẻ những trải nghiệm thực tế và những thông tin, câu trả lời của các bạn từ điểm cầu Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
Cũng tâm huyết về mô hình "Lớp học không biên giới", cô giáo Dương Thị Vân Anh, Trường Tiểu học Hà Thượng (Đại Từ) đã mạnh dạn, tích cực kết nối các tiết học tiếng Anh dành cho học sinh khối lớp 4, 5 của Nhà trường, với mong muốn thông qua lớp học, học sinh có cơ hội giao lưu, nâng cao khả năng giao tiếp, thuyết trình bằng tiếng Anh và hiểu thêm về truyền thống văn hóa các nước, như: Tiết học của học sinh lớp 5A, thuyết trình về ngày Tết quê em với các bạn người Ấn Độ; ngược lại, các bạn học sinh Ấn Độ đã giới thiệu về văn hóa của nước mình.
Tiết học chủ đề Nghề nghiệp trong tương lai (Future Jobs) được kết nối giữa học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên) với Trường tiểu học Hyunil Elementary, Hàn Quốc. |
Nhằm tạo điều kiện để học sinh tích lũy kiến thức, hành trang, phấn đấu trở thành những công dân toàn cầu, mới đây, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đã tổ chức tiết học với chủ đề Nghề nghiệp trong tương lai với Trường Tiểu học Hyunil Elementary (Hàn Quốc). Các em học sinh ở cả hai trường đã nói về nghề nghiệp có tiềm năng của đất nước mình; nghề nghiệp mà các em yêu thích; giới thiệu về ngôi trường các em đang học cũng như những nét văn hóa đặc trưng của hai đất nước...
Cô giáo Đỗ Thị Tú Quyên, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, tâm huyết: Qua các tiết học không biên giới, cả cô và trò đều có cơ hội học hỏi, tích lũy kiến thức, đặc biệt là thêm tự tin, kỹ năng trong môi trường quốc tế.
Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu, song trong quá trình thực hiện, mô hình "Lớp học không biên giới" cũng cho thấy còn nhiều khó khăn, như: Hạ tầng thiếu đồng bộ; vật chất, trang thiết bị tại các phòng học, phục vụ cho các tiết học còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu... Để mô hình được duy trì, nhân rộng và phát huy tối đa ưu thế, ngành Giáo dục cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để các nhà trường khai thác tốt thế mạnh của mô hình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin