Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 435 cơ sở giáo dục cấp tiểu học, THCS và THPT. 100% trường học đều có thư viện và phân công cán bộ làm công tác thư viện. Các thư viện trường học đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, phục vụ tốt nhu cầu khai thác tư liệu, đọc sách của giáo viên, học sinh. Qua đó duy trì thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc, giúp giáo viên, học sinh tra cứu thông tin, khai thác nguồn tri thức bổ ích từ sách, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Các trường học trên địa bàn tỉnh cơ bản trang trí, sắp xếp tài liệu ở thư viện gọn gàng, khoa học, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đọc sách của học sinh. |
Cô giáo Phạm Thị Thanh, Trường Tiểu học và THCS Hóa Trung (Đồng Hỷ), bày tỏ: Tôi cùng các đồng nghiệp thường đến Thư viện của Trường để mượn sách, tài liệu, bổ sung, cập nhật kiến thức cho những bài giảng thêm phong phú, sinh động và tiếp cận với những phương pháp giảng dạy tiên tiến, tích cực.
Không chỉ là nơi mượn, đọc sách, thư viện còn là trung tâm của các hoạt động kết nối và làm việc nhóm, phát huy trí sáng tạo của học trò; xây dựng và phát triển năng lực tự học, năng lực giao tiếp, năng lực ngôn ngữ, hình thành đức tính kiên trì, chăm chỉ cho học sinh...
Em Nguyễn An Nguyên, học sinh lớp 5G, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên), cho biết: Vào các giờ giải lao, em rất thích đến Thư viện của Nhà trường để đọc sách, truyện, vừa để giải trí, vừa có thêm kiến thức.
Hiện, toàn tỉnh có trên 84% nhân viên thư viện tốt nghiệp đúng chuyên ngành đào tạo, gần 16% tốt nghiệp chuyên ngành khác nhưng đã qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Các trường đã đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, dành kinh phí mua sắm sách tham khảo (ngoài số sách giáo khoa được cấp để giáo viên phục vụ giảng dạy); huy động học sinh ủng hộ sách, truyện...; đồng thời xây dựng nhiều mô hình đa dạng, như: thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện di động, tủ sách lớp học..., phục vụ hàng chục nghìn lượt học sinh đến mượn, trả sách, báo, truyện trong năm học...
Để hoạt động thư viện trường học đạt hiệu quả, phải kể đến sự cần mẫn, trách nhiệm của nhân viên thư viện. Anh Ma Đình Thư, nhân viên thư viện Trường THPT Ngô Quyền (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Thư viện Nhà trường hiện có 6.550 cuốn sách, trong đó có 5.300 cuốn sách nghiệp vụ và 1.250 cuốn sách tham khảo. Số lượng đầu sách lớn, học sinh cũng khá đông, nhưng nhờ sắp xếp, bố trí ngăn nắp nên mỗi khi có giáo viên, học sinh hỏi mượn sách, tài liệu hay đồ dùng dạy học tôi đều phục vụ kịp thời.
Mô hình Thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học Mỏ Chè (TP. Sông Công) với cách bài trí sinh động, bắt mắt, đã thu hút học sinh đến vui chơi, đọc sách, báo, truyện trong giờ giải lao. |
Trong thời đại công nghệ số, cùng với việc phát triển thư viện truyền thống thì mô hình thư viện số cũng đã hình thành và phát huy hiệu quả tích cực. Tại huyện vùng cao Võ Nhai, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đạt mức độ 3 về chuyển đổi số, nên được chọn là địa điểm đầu tư và duy trì hoạt động mô hình Thư viện số.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoan, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, chia sẻ: Thư viện số hoạt động theo mô hình tủ sách được xây dựng theo kiến trúc mở (thông qua các API kết nối), bảo đảm tính kế thừa và liên thông dữ liệu, lưu trữ lâu dài, cho phép các trường học, phòng văn hóa cấp xã có thể kế thừa dữ liệu và liên thông đọc sách. Từ đó góp phần đẩy mạnh quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, di tích lịch sử văn hóa của địa phương đến với đông đảo du khách gần xa.
Điều đáng nói, ưu điểm vượt trội của thư viện số là khả năng truy cập tài liệu một cách dễ dàng và tiện lợi. Mỗi người có thể truy cập vào các tài liệu mọi lúc mọi nơi, từ bất cứ thiết bị kết nối với Internet như máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng...
Bên cạnh đó, thư viện số còn giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; cùng nhiều tiện ích khác, như: Người dùng có thể đọc, khai thác tư liệu trực tuyến hoặc tải về tài liệu để đọc offline (ngoại tuyến) sau này...
Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030, 100% thư viện tại cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến phổ thông công lập được trang bị phần mềm quản lý thư viện, có trang thông tin điện tử; trong đó, 20% thư viện được cơ quan quản lý đánh giá đạt tiêu chuẩn mức độ 2.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành Giáo dục - Đào tạo Thái Nguyên đề ra một số giải pháp trọng tâm, như: Từng bước nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và liên kết thông tin thư viện; tập trung xây dựng dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện, kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Cùng với đó là chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động thư viện...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin