Đại học Thái Nguyên: Phát triển đào tạo theo xu hướng liên ngành

Trần Nguyên (Thực hiện) 11:29, 18/10/2024

Đào tạo theo hướng liên ngành là tích hợp các lĩnh vực khác nhau trong cùng một ngành để người học dễ thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động. Xu hướng này được Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) lựa chọn đào tạo, gắn kết công nghệ với các lĩnh vực khác, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thời đại công nghiệp 4.0. Phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn PGS,TS. Nguyễn Danh Nam, Trưởng ban Ban Đào tạo và Quản lý người học ĐHTN về những ngành đào tạo mới từ năm 2024 này.

Kỹ thuật xét nghiệm Y - Sinh là chương trình trọng điểm của Trường Đại học Khoa học đào tạo liên ngành Y học và Sinh học được triển khai năm 2024.
Kỹ thuật xét nghiệm Y - Sinh là chương trình trọng điểm của Trường Đại học Khoa học đào tạo liên ngành Y học và Sinh học được triển khai năm 2024.

PV: Mở ngành đào tạo theo xu hướng phát triển khoa học và công nghệ, cũng như nhu cầu xã hội về nhân lực, ĐHTN đã mở những ngành mới nào thưa ông?

PGS,TS. Nguyễn Danh Nam: Xu hướng đào tạo liên ngành, xuyên ngành là để giải bài toán nhân sự đáp ứng nhu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tiếp cận đào tạo liên ngành, xuyên ngành là hướng đi của các trường đại học hàng đầu thế giới, do đó ĐHTN chủ động đổi mới để theo xu hướng này.

Trong 5 năm từ năm 2019 trở lại dây, nhiều cơ sở giáo dục thuộc ĐHTN đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển từ đào tạo ngành hẹp sang đào tạo liên ngành, xuyên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại kỷ nguyên số. Đến nay, ĐHTN đã tập trung phát triển các ngành đào tạo mới, ưu tiên các ngành đào tạo có tính liên ngành, có sự tham gia của nhiều trường đại học thành viên để tạo điều kiện cho sinh viên có thể học cùng lúc hai chương trình đào tạo tại ĐHTN. Các chương trình đào tạo có hợp tác với các đối tác nước ngoài để tạo điều kiện cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các nước có nền khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Chủ trương phát triển ngành đào tạo trọng điểm mang tính liên ngành, xuyên ngành, phát huy được sức mạnh tổng hợp của đại học vùng. Chương trình đào tạo của các ngành đào tạo trọng điểm phải mang tính tích hợp, có tính bền vững, có tính cạnh tranh với chương trình của các trường đại học trọng điểm ở trong nước và khu vực Đông Nam Á. Chương trình đào tạo phải tiếp cận chương trình đào tạo của các trường đại học có xếp hạng cao của thế giới, gắn với các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, kiến tạo môi trường học thuật đổi mới và sáng tạo.

Năm 2024, ĐHTN mở mới 11 ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học đáp ứng yêu cầu về công nghệ, tài chính, quản trị gắn với chuyển đổi số, như: Ngành Công nghệ Tài chính, ngành Quốc tế học (Khoa Quốc tế); ngành Công nghệ và đổi mới sáng tạo, ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, ngành Tài chính - Kế toán (Trường Đại học Nông Lâm); ngành Quản trị nhân lực (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh); ngành Kỹ thuật Robot (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp); chuyên ngành Công nghệ bán dẫn thuộc ngành Vật lý (Trường Đại học Khoa học).

Đặc biệt, ĐHTN mở mới 3 ngành đào tạo chuyên biệt với sứ mệnh "thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng trung du miền núi Bắc Bộ", cụ thể: ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (Trường Đại học Khoa học); ngành Sư phạm tiếng Mông và ngành Ngôn ngữ Trung Quốc (Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang). Mở ngành đào tạo mới, ĐHTN đồng thời đổi mới phương thức tuyển sinh dựa trên đánh giá năng lực người học. Năm nay cũng là năm đầu tiên ĐHTN tổ chức Kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT), trong đó ĐHTN đã dành khoảng từ 5% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đại học cho phương thức xét tuyển mới này.

PV: Ưu điểm của đào tạo liên ngành và những ngành mới là gì thưa ông?

PGS,TS. Nguyễn Danh Nam: Theo các chuyên gia giáo dục, trong kỷ nguyên công nghệ, cùng với chủ trương phát triển nền kinh tế số, hình thức đào tạo đơn ngành ở trường đại học sẽ dần được thay thế bởi hình thức tích hợp đa ngành, liên ngành. Chương trình đào tạo phải tích hợp được các học phần với các kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau trong cùng một ngành hoặc một nhóm ngành đào tạo. Đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành sẽ trang bị cho người học các kiến thức chuyên ngành, đa ngành và đa lĩnh vực, các kỹ năng nghề nghiệp tổng hợp. Đơn cử như đào tạo liên ngành trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh giúp sinh viên sau khi ra trường không chỉ nắm vững chuyên môn mà còn ứng dụng được các công nghệ, ứng dụng để giải quyết các công việc thực tế.

Ngành Điện - Tự động của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp được đào tạo liên ngành trong khối các ngành kỹ thuật của ĐHTN.
Ngành Điện - Tự động của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp được đào tạo liên ngành trong khối các ngành kỹ thuật của ĐHTN.

Ngoài ra, việc tạo ra những ngành mới không đòi hỏi nhân sự giảng viên hay cơ sở vật chất phục vụ đào tạo mà các trường chỉ sắp xếp, tận dụng nguồn lực sẵn có. Về mặt kiến thức, chương trình liên ngành vẫn đảm bảo được kiến thức chuyên môn của ngành theo Chuẩn chương trình đào tạo. Thời gian còn lại, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức về công nghệ, khoa học dữ liệu, quản trị, các ứng dụng trong từng ngành học…

Đối với ĐHTN, việc đào tạo liên ngành sẽ giúp các trường đại học tận dụng nguồn nhân lực khi nằm trong một “hệ sinh thái” đa ngành, đa lĩnh vực. Ví dụ, chuyên ngành Công nghệ bán dẫn (Trường Đại học Khoa học) được đào tạo kết hợp chương trình đào tạo, thực hành, thí nghiệm… tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông…; ngành Dược liệu và hợp chất thiên nhiên được đào tạo kết hợp giữa Trường Đại học Nông Lâm và Trường Đại học Y - Dược; ngành Công nghệ Tài chính (chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh) được đào tạo kết hợp giữa Khoa Quốc tế và Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

PV: Ông cho biết thêm về cơ hội việc làm với những ngành mới này như thế nào?

PGS,TS. Nguyễn Danh Nam: Trước khi mở các ngành mới, các cơ sở đào tạo thuộc ĐHTN đã khảo sát rất kỹ trên cơ sở đánh giá khách quan và nhu cầu thị trường về nguồn nhân lực trong từng lĩnh vực. Các ngành mới đều dựa trên cơ sở tích hợp đơn ngành mà ĐHTN vốn đã có nhiều thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ, cũng như đội ngũ các nhà khoa học giàu kinh nghiệm, nên chất lượng đầu ra là bảo đảm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.

Đối với thị trường lao động về nguồn nhân lực các nhóm ngành mới này là rất tiềm năng. Người học có thể tham gia ngay vào các doanh nghiệp đang cộng tác, đặt hàng đào tạo với ĐHTN với nhu cầu vài trăm người mỗi năm sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các phòng thí nghiệm, các tập đoàn kinh tế, tập đoàn công nghệ cao luôn cam kết tuyển dụng hàng ngàn cử nhân của ĐHTN có thể làm việc tại nhiều quốc gia… Có thể nói là tiềm năng rất lớn, dư địa về việc làm không chỉ dừng lại ở các địa phương mà tầm quốc tế cao.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!