Đại học Thái Nguyên: Phát triển các ngành đào tạo trọng điểm

Hằng Nga 12:14, 29/07/2023

Hiện nay, mô hình phát triển của các trường đại học trong kỷ nguyên 4.0 có sự thay đổi lớn. Trong đó, việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là 3 trụ cột cấu thành của một trường đại học. Các chương trình đào tạo liên ngành, liên lĩnh vực sẽ là lựa chọn của nhiều người học. Bắt nhịp với nhu cầu của xã hội, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đang đẩy mạnh phát triển các ngành đào tạo trọng điểm.

Công nghệ thông tin là 1 trong những chương trình đào tạo trọng điểm định hướng chất lượng cao của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Công nghệ thông tin là một trong những chương trình đào tạo trọng điểm định hướng chất lượng cao của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên.

Hiện nay, ĐHTN đang triển khai đào tạo 297 ngành, gồm: 177 ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng; 64 ngành trình độ thạc sĩ; 32 ngành trình độ tiến sĩ; 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa cấp I, II và bác sĩ nội trú; 9 ngành đào tạo chương trình tiên tiến được nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Hà Lan; 5 chương trình đào tạo chất lượng cao; 15 chương trình đào tạo trọng điểm. Ngoài ra, đơn vị có trên 30 chương trình liên kết đào tạo từ trình độ đại học tới tiến sĩ với nước ngoài.

Với tầm nhìn trở thành một trong những đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á, ĐHTN đang tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, ngoài 7 cơ sở giáo dục đại học thành viên được công nhận kiểm định chu kỳ 2, có trên 35% chương trình đào tạo được công nhận kiểm định chất lượng, trong đó có 20 chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng AUN-QA (Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á).

Đến thời điểm này, ĐHTN đã có 46 chương trình đào tạo được công nhận kiểm định chất lượng. Trong đó có 15 chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng AUN-QA, 31 chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng trong nước.

TS. Hà Xuân Linh, Trưởng Khoa Quốc tế (ĐHTN), cho biết: Khoa Quốc tế là đơn vị đầu tiên kiểm định bộ tiêu chuẩn mới 4.0. Hiện nay, Khoa tiếp tục xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo; bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị để sinh viên học tập tốt hơn; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế.

Giai đoạn 2023-2025, Khoa Quốc tế dự kiến mở 4 ngành đào tạo là: chương trình Cung ứng và vận tải quốc tế; chương trình Kinh doanh số và quản lý công nghệ (thuộc ngành Quản trị kinh doanh); Ngôn ngữ Anh (chương trình tiếng Anh thương mại giảng dạy bằng tiếng Anh); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Đối với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, những năm gần đây, Nhà trường thuộc top các cơ sở đào tạo thuộc ĐHTN duy trì quy mô tuyển sinh rất tốt, với khoảng trên 2.200 sinh viên/năm. Qua khảo sát, gần 100% sinh viên ra trường đều tìm được việc làm gần đúng với ngành nghề đào tạo.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, cho hay: Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, công tác chuyển đổi số được các địa phương đặc biệt quan tâm. Do đó, Nhà trường đã nhanh chóng thích ứng, đổi mới chương trình đào tạo trọng điểm phù hợp với thực tiễn. Giai đoạn 2023-2025, Nhà trường dự kiến mở mới 2 đào tạo là Công nghệ thông tin quốc tế (liên kết với Khoa Quốc tế) và ngành Kỹ thuật y học (liên kết với Trường Đại học Y - Dược).

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2019, ĐHTN đã xây dựng 15 chương trình đào tạo trọng điểm định hướng chất lượng cao. Trong những năm gần đây, bên cạnh những ngành đào tạo truyền thống, ĐHTN cũng phát triển một số chương trình đào tạo liên ngành, liên lĩnh vực như: Thương mại điện tử, Marketing số, Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, Công nghệ ô tô và giao thông thông minh, Kinh tế số, Dược liệu và hợp chất thiên nhiên...

Các chương trình đào tạo liên ngành được xây dựng, thí điểm và triển khai đã cho thấy sự phù hợp với nhu cầu của người học trong giai đoạn hiện nay, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho cuộc Cánh mạng công nghiệp 4.0. Việc xác định danh mục, lựa chọn và đầu tư phát triển một số ngành đào tạo trọng điểm của ĐHTN chính là giải pháp nhằm đáp ứng tốt các điều kiện để trở thành top ngành đào tạo được xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Hàng năm, ĐHTN có trên 20.000 người học tốt nghiệp, gồm trên 9.000 cử nhân, kỹ sư và cao đẳng hệ chính quy; 1.300-1.500 thạc sĩ và tương đương; 20-25 tiến sĩ; 100-150 lưu học sinh nước ngoài và trên 10.000 học viên hệ đại học vừa làm vừa học. Đây là nguồn nhân lực quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội.