Chuyện kể rằng, một cô gái trẻ lên vùng cao dạy học nhưng sau vài tháng, bạn bè không liên lạc được với cô. Họ nghĩ cô đã bỏ nghề vì không chịu được cuộc sống khó khăn, khổ cực ở đó. Họ không biết rằng, lý do là tại điểm trường không sóng điện thoại, không điện, không internet, thậm chí không nước sạch.
Cô giáo Trương Thị Nga trong giờ lên lớp tại điểm trường Phia Cò 2. |
Vậy mà cô giáo trẻ đã gắn bó với nơi “4 không” như vậy gần 15 năm qua, dạy dỗ biết bao thế hệ học sinh của xóm Phia Cò, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Cô là Trương Thị Nga, một giáo viên người dân tộc Tày sinh năm 1986.
Con đường dẫn từ trụ sở Ủy ban nhân dân xã Nam Cao đến điểm trường Phia Cò 2, Trường tiểu học Nam Cao không hề dễ dàng. Việc đi lại quá khó khăn đã giải thích tại sao nhiều năm qua, nơi này vẫn trong tình trạng “4 không”.
Chuyện khó quên
Lang Cá là cao nguyên đá vôi đồ sộ ở phía tây huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng. Địa hình bị chia cắt thành nhiều thung lũng sâu với vách đá dựng đứng, có nhiều vực thẳm. Cao nguyên Lang Cá có nhiều ngọn núi cao 1.200-1.800m, nên địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt.
Huyện Bảo Lâm, có xã Nam Cao và có xóm Phia Cò, nơi đặt các điểm trường Phia Cò 1 và Phia Cò 2 của Trường tiểu học Nam Cao. Tới điểm trường Phia Cò 2, tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn, vất vả của đồng bào H’Mông nơi đây, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự cống hiến, hy sinh của những thầy giáo, cô giáo người Tày đang từng ngày miệt mài với sự nghiệp gieo chữ, trồng người.
Một ngày giữa tháng 10, từ trụ sở Ủy ban nhân dân xã Nam Cao, chúng tôi cùng hai Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là đồng chí Ma Thế Tuân, Nguyễn Văn Lậm và Chỉ huy trưởng quân sự xã Ma Văn Đuyên đi xe máy vào điểm trường Phia Cò 2. Quãng đường chỉ khoảng 15-16 km lổn nhổn đá và đất, nhiều dốc cao.
Có đoạn vừa bị sạt lở, mặt đường nứt gãy sau đợt mưa lũ vì hoàn lưu bão số 3 (Yagi). Đi vào ngày trời khô, nắng như vậy mà còn khiến chúng tôi mất khoảng 2 giờ thì vào trời mưa, lũ, nhất là với gần 5 km đường đất phải đi bộ từ trên đỉnh xuống phía dưới chân núi, người dân chắc chắn không thể di chuyển được. Như thế, những khi thời tiết xấu, xóm Phia Cò và chín xóm khác của Nam Cao, sẽ hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài.
Vậy mà 14 năm trước, cô giáo Trương Thị Nga đã phải đi bộ từ trụ sở Ủy ban nhân dân xã Nam Cao vào điểm trường Phia Cò 2, từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều mới tới nơi. Đó là một kỷ niệm mà cô nhớ rất rõ, không chỉ vì quãng đường di chuyển quá khó khăn mà vì lần đầu tiên trong đời, cô đi bộ xa đến vậy. Tuy nhiên, đấy cũng chưa phải là điều khó khăn nhất mà Nga còn phải trải qua sau khi cô quyết định gắn bó với vùng sâu, vùng xa của xã nghèo nhất tỉnh Cao Bằng này.
Tốt nghiệp Trường cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn, chuyên ngành tiểu học vào tháng 6/2010, dự tính ban đầu của Nga là nộp đơn xin việc ở huyện Bảo Lạc cho gần với huyện Nguyên Bình, nơi cô sinh ra và chỉ cách thành phố Cao Bằng 20 km.
Cô ở lại Bảo Lạc một đêm nhưng rồi sáng hôm sau, cô lại quyết định tới Bảo Lâm nộp hồ sơ và được nhận về công tác tại Trường phổ thông cơ sở Nam Cao, trước khi Trường tiểu học Nam Cao được tách ra sau đó. Thực ra, Nga chia sẻ, trước lúc tốt nghiệp, cô chỉ mong xin được việc, đi đâu cũng được. Ước mơ giờ đã thành hiện thực nhưng có lẽ, cô gái trẻ cũng không hình dung nổi những khó khăn mà cô sẽ phải đối mặt.
Tại Phia Cò 2 đầu những năm 2010, hơn 100 hộ đồng bào dân tộc H’Mông đó không có ai biết tiếng phổ thông. Nếu có thì cũng chỉ vài người hiểu được chút ít. Ngày cô vào xóm cùng với Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở Nam Cao và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Cao, trẻ con thấy người lạ liền chạy hết vào nhà, hỏi đường không ai hiểu nói gì. Thật bất ngờ, cô đã gặp một người đàn ông lớn tuổi trên đường, ông cười và nói, “Chào cô giáo Tày”.
Nga lập tài khoản facebook Cô giáo Tày sau đó, dù cô không có hoạt động gì. Nhưng bài hát Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi như lời động viên mỗi khi cô buồn. Ít nhiều bài hát đó cũng làm cô vơi đi những lo lắng, những mệt mỏi ở một nơi xa lạ; và cả những bận tâm như việc học sinh không có đồ dùng học tập, đi học không đầy đủ hay chuyện không có sóng điện thoại để cô liên lạc về nhà.
Chính vì không có sóng điện thoại cho nên cô đi được gần một tuần rồi mà người chú ruột vẫn hỏi bố mẹ cô không biết con bé đã đến trường hay chưa. Ngần ấy năm cũng là thời gian cô phải viết tay, soạn giáo án dưới ánh nến do không có điện.
Như cô giáo Nga tâm sự, cảm giác đầu tiên của cô khi đến Phia Cò vui buồn lẫn lộn, thật khó diễn tả. Gần một tháng trời, cô chỉ có thể uống nước đường vì nhớ nhà và không nuốt nổi cơm.
Quyết tâm bám lớp, bám trường
Dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, kể cả lúc bị tai nạn xe máy trên đường từ nhà đến điểm trường vào tháng 11/2023, gãy xương đùi và ngất đi nhưng cô chưa từng có ý định bỏ cuộc. Nga tâm sự, từ hồi còn là sinh viên, khi đi tình nguyện ở một bản vùng cao, gặp những đứa trẻ ăn không đủ no, áo không đủ mặc đã thôi thúc cô quyết tâm lên vùng cao gieo con chữ sau này.
Vượt qua sự nghèo khó của Phia Cò, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất của điểm trường khi các lớp học được dựng bằng những tấm ván ghép lại, những tấm bạt quây chung quanh…, Nga đã làm quen và thích nghi dần với cuộc sống cùng đồng bào dân tộc H’Mông. Hằng ngày cô vẫn lên lớp, đêm về lại miệt mài soạn bài. Thậm chí, có thời điểm không đủ giáo viên đứng lớp nên cả sáng lẫn chiều, cô đều ở trên lớp. Một mình cô dạy ba lớp, sáng lớp 1, chiều ghép lớp 2 và lớp 3.
Cứ như vậy, 5 năm, rồi 10 năm và giờ bước vào năm thứ 15, Phia Cò với gần 200 nóc nhà, hơn 1.000 nhân khẩu, nằm rải rác trên những quả đồi đã trở thành quê hương thứ hai của cô giáo Nga.
Có lẽ, mọi thứ về Nguyên Bình đã mờ trong ký ức. Ký ức của cô chỉ còn lại những năm tháng tuổi trẻ gắn bó và cống hiến cho núi rừng Phia Cò; những đêm sương muối giữa rừng khuya buốt lạnh thấu tim; là những cô bé, cậu bé thò lò mũi xanh, chân trần đến lớp; những cái Tết đậm đà hương vị miền núi… Nga chia sẻ, giờ cô không muốn xa Phia Cò. Đi thì dân nhớ, ở thì dân thương. Đồng bào H’Mông dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ sống giản dị, chân thật và rất đoàn kết.
Những trở ngại ban đầu trong giao tiếp với người dân và học sinh đã được cô giáo Nga dần dần khắc phục nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Bí thư Chi bộ xóm Phia Cò Giàng Bằng Quạ. Theo thời gian, từ những lớp học đơn sơ, cô đã kết nối với các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm và chính quyền địa phương để dựng được những lớp học, nhà ở giáo viên lắp ghép, quây tôn và thậm chí xây gạch.
Mưa giờ không dột, nắng không chiếu vào đầu, các thầy, cô giáo có thể yên tâm công tác, các em học sinh vui vẻ đến trường. Nga cho biết, ngày nào cô còn ở Phia Cò, cô sẽ nỗ lực để học sinh không bao giờ phải thiếu bút, vở, đồ dùng học tập, hay quần áo, ủng, giày dép, ô...
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là trong từng đó năm, dù cơ sở vật chất thiếu thốn, không điện, không internet để cập nhật thông tin, Nga vẫn không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Về điểm trường Phia Cò 2 chưa được bao lâu, hè 2012-2013, cô học liên thông để lấy bằng cao đẳng của Trường cao đẳng Sư phạm Cao Bằng.
Đến giai đoạn đại dịch Covid-19, cô lấy bằng đại học của Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2… Cô và sáu thầy, cô giáo khác tại điểm trường vẫn phải treo điện thoại lắp sim cách phòng ở khoảng 50-60m, dò mạng ở chiếc điện thoại phát kia nhiều lúc đến mỏi tay do phải giơ lên trời liên tục và cũng chỉ để nhắn tin những lúc cần. Vào mùa đông, mỗi lúc như thế, họ gần như phơi người trong giá rét, tay run lên vì lạnh.
Nga tâm sự nếu không lập gia đình sớm, đến giờ này có lẽ cô cũng chưa thể có chồng, rồi sinh con. Cô kể, ngày chồng đưa cô nhập trường, anh nói sẽ không có người yêu nào đủ kiên nhẫn và dũng cảm để chờ đợi và muốn thấy người yêu trải qua một cuộc sống khó khăn như vậy.
Gần 15 năm qua kể từ ngày cô giáo người Tày xuất hiện, xóm Phia Cò vẫn vậy nhưng điểm trường đã có nhiều thay đổi. Quan trọng nhất, trong suy nghĩ của Nga, cô vẫn luôn mong mỏi và gắn bó dài lâu với sự nghiệp gieo chữ, trồng người nơi mảnh đất nghèo khó này. Cô muốn kết nối nhiều hơn những nhà hảo tâm để có thể hỗ trợ người dân và hy vọng trong một tương lai không xa, Phia Cò sẽ có đường bê-tông, có điện, có sóng điện thoại và có cả nước sạch.
Chiều thứ sáu, chúng tôi rời điểm trường Phia Cò 2. Phải là thứ sáu vì trừ Nga vẫn chưa lành hẳn vết thương ở chân, các thầy giáo như Vũ, Hiếu, Huỳnh, các cô giáo như Bình, Điều và Lâm đều cần xuống núi, về Bảo Lâm để sạc máy tính phục vụ việc soạn bài, và sạc pin dự phòng. Đến chiều chủ nhật, họ sẽ mua thức ăn dự trữ trong một tuần rồi quay lại điểm trường. Tuần nào cũng như vậy, với Nga là gần 15 năm qua, với các thầy, cô giáo khác là ba, bốn năm.
Hy vọng về một con đường bê-tông dẫn vào trường của các thầy, cô giáo và người dân Phia Cò sẽ thành hiện thực. Chia tay các thầy, cô giáo ở đây, chúng tôi nhớ đến lời thơ của Lưu Quang Vũ trong Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2010): Tôi chọn bài ca của người gieo hạt/Hôm nay là mầm, mai sẽ thành cây…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin