Thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục, lần đầu tiên sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông được biên soạn theo hình thức xã hội hóa mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên để việc xã hội hóa SGK thật sự đáp ứng yêu cầu đổi mới, cần thêm những giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến thực tiễn triển khai.
Học sinh lựa chọn sách giáo khoa tại nhà sách. (Ảnh NGUYÊN KHÔI) |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai công tác xã hội hóa, tính đến nay có 7 nhà xuất bản và 12 công ty cổ phần tham gia biên soạn và liên kết biên soạn SGK. Các nhà xuất bản, công ty cổ phần căn cứ vào tiêu chuẩn theo quy định đã tuyển chọn và hợp đồng với tác giả chủ biên, tổng chủ biên, biên soạn soạn SGK với tổng số 3.844 tác giả gồm: Tiểu học là 1.485 tác giả, THCS có 1.245 tác giả, THPT có 1.114 tác giả. Cơ cấu đội ngũ tác giả đa dạng gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông tham gia góp phần phát huy được trí tuệ của thầy, cô giáo. Trong số các tác giả, số lượng GS chiếm tỷ lệ 6,8%, PGS chiếm tỷ lệ 21,2%; tiến sĩ tỷ lệ 36,2%, thạc sĩ chiếm 33,9% và 343 giáo viên, chiếm tỷ lệ 1,9%.
Theo Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài, quá trình xã hội hóa, các đơn vị đã tuyển chọn được các tác giả biên soạn SGK công tác ở các vùng, miền khác nhau; các bộ sách được biên soạn với cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm giáo dục của từng vùng, miền, sát với thực tế giảng dạy của các địa phương trong điều kiện cùng một chương trình giáo dục phổ thông. Việc xã hội hóa đã bảo đảm các môn học, hoạt động giáo dục đều có SGK, mỗi môn học có ít nhất là một SGK, môn học nhiều nhất là 10 SGK, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy khác nhau giữa các vùng, miền trên phạm vi cả nước.
Đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn, tiêu chí giúp cho việc nhận xét, đánh giá SGK khách quan, công bằng, chính xác. Bộ huy động số lượng các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đông đảo, khoảng 1.404 thành viên. Công tác lựa chọn SGK được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, tôn trọng và phát huy trí tuệ giáo viên; sự năng động hơn, trách nhiệm của các cán bộ, giáo viên, cơ quan quản lý giáo dục. Các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, làm cho chất lượng, giá thành SGK ngày càng tốt hơn...
Quá trình triển khai phần lớn các địa phương đánh giá tốt và thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định Bùi Văn Khiết cho biết, việc triển khai xã hội hóa giúp giáo viên, học sinh có nhiều lựa chọn SGK phù hợp với quá trình và điều kiện giảng dạy, học tập. Giá của các bộ sách có sự cạnh tranh, bảo đảm lợi ích tối ưu cho học sinh; không còn sự độc quyền trong phát hành SGK, từ đó chất lượng các bộ sách được nâng cao và hoàn thiện. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường cho rằng, địa phương luôn chủ động nghiên cứu kỹ các văn bản, hướng dẫn của Bộ, đồng thời có văn bản hướng dẫn chi tiết cho cơ sở thực hiện; tôn trọng đề xuất của cơ sở giáo dục trong lựa chọn SGK. Vì vậy, kết quả lựa chọn SGK luôn phù hợp với đề xuất của cơ sở giáo dục, không có sai sót, được xã hội đồng tình, đánh giá cao.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng quá trình triển khai xã hội hóa biên soạn SGK cũng còn một số bất cập, vướng mắc. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số ngữ liệu đưa vào SGK ở một số môn học còn xuất hiện những quan điểm khác nhau, gây băn khoăn trong dư luận khi đưa vào sử dụng; việc lựa chọn SGK ở một số nơi, ở một số thời điểm còn có khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đáng chú ý, việc biên soạn, xuất bản SGK của một số môn học có ít học sinh học (như SGK các môn ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh); biên soạn, xuất bản SGK dưới dạng sách chữ nổi Braille, SGK điện tử còn chậm được triển khai.
Từ thực tiễn triển khai, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, do mỗi môn học, hoạt động giáo dục có một số SGK nên các bậc cha mẹ học sinh còn gặp khó khăn, mua nhầm sách. Việc tổ chức dạy học đối với một chương trình có nhiều SGK khiến cho khâu quản lý, chỉ đạo khó khăn. Đáng chú ý, ở bậc THCS và THPT, một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong SGK chưa bảo đảm tính liên thông giữa các môn học, hoạt động giáo dục; tiến trình nội dung bài học của một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các bộ SGK khác nhau. Bên cạnh đó, ngữ liệu, hình ảnh được sử dụng trong một số SGK chưa được chọn lọc, tinh giản; một số hình ảnh chưa được gia công tập trung vào nội dung chính cần biểu đạt; việc hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học còn hạn chế, câu hỏi khai thác ngữ liệu, văn bản, hình ảnh chưa sâu sắc, hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng xã hội hóa biên soạn SGK, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục rà soát và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện cho việc xã hội hóa biên soạn SGK; ban hành quy định về giá tối đa của SGK theo quy định của Luật Giá; xây dựng, đề xuất Chính phủ và Quốc hội xem xét ban hành cơ chế để in ấn, phát hành SGK tiếng dân tộc, sách ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh được biên soạn bằng ngân sách nhà nước; tiếp tục chỉ đạo việc xuất bản SGK chữ nổi Braille và SGK điện tử...
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, việc xã hội hóa biên soạn SGK là một nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm nhưng toàn ngành giáo dục đã nỗ lực đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xã hội hóa biên soạn SGK, các nhà xuất bản cần rà soát các khâu liên quan để tiết kiệm các khâu trung gian, đa dạng khâu phát hành đến học sinh, giáo viên đúng, đủ, kịp thời, chất lượng, giá cả phù hợp. Các địa phương cần tiếp tục tăng cường nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên đối với việc đổi mới giáo dục nói chung, công tác biên soạn SGK nói riêng; tập trung chỉ đạo công tác quản lý, dạy học bảo đảm chất lượng. Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, các đơn vị chuyên môn của Bộ sẽ lắng nghe, tổng hợp các ý kiến để có những tiếp thu, chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin