Giờ cao điểm, CSGT mặc thường phục ghi hình tại các khu vực gần trường học và các nút giao thông quan trọng. Bước đầu, khu vực gần các trường học lớn sẽ được ưu tiên phạt “nguội”.
Mỗi ngày, vào các giờ cao điểm từ 7h-8h30 và 17h-19h, lực lượng này sẽ mặc thường phục, có mặt tại các điểm nói trên và ghi lại những hành vi vi phạm, cuối ngày đem về trung tâm tập hợp và xử lí hình ảnh, tiến hành xác minh để sau đó có thông báo tới đối tượng trong hình ảnh”.
Vậy, so với việc xử phạt qua hình ảnh hồi năm 2004 có gì mới?
Hồi năm 2004, chúng tôi lấy hình ảnh người vi phạm thông qua trung tâm điều hành phòng tín hiệu đèn, bằng camera tự động. Còn lần này, CSGT trực tiếp ra hiện trường ghi hình.
Việc ghi hình ảnh bằng camera tự động tại các cổng trường học, sau đó báo về cho hiệu trưởng các trường nhằm tuyên truyền, xử phạt học sinh đã từng được công an thành phố đặt ra từ đầu năm, hiện nay đã chuẩn bị đến đâu?
Chúng tôi vẫn chưa có đủ phương tiện để làm điều đó. Vì thế, khu vực “ưu tiên” trong thời gian đầu thực hiện xử phạt qua hình ảnh là gần các trường học lớn của thành phố. Khi có đủ phương tiện, sẽ triển khai ra diện rộng hơn.
Trong thời gian bao lâu người vi phạm sẽ bị gọi lên để xử phạt? Và khung phạt có cao hơn khi phạt ở hiện trường không đối với cùng một lỗi như nhau?
Cái này tùy thuộc vào quá trình phân tích, phân loại hình ảnh. Khó nhất là công việc xác minh đầy đủ thông tin, phương tiện (biển số xe, nơi đăng kí). Khi có đủ thông tin và cơ sở để xử phạt, chúng tôi sẽ có giấy báo về công an hoặc chính quyền địa phương, mời người vi phạm lên đối chiếu với hình ảnh ghi được tránh trường hợp họ thắc mắc.
Chế tài xử phạt hành chính vẫn theo Nghị định 146, không có chuyện phạt cao hơn hay thấp hơn khi cùng một lỗi đó ở ngoài hiện trường.
Dự kiến, trong khoảng thời gian từ 7-10 ngày, người vi phạm sẽ được triệu tập.
Đối với trường hợp có giấy gọi mà người trong hình ảnh không đến thì sao?
Khi đã xác định được danh tính, lỗi vi phạm, địa chỉ rồi thì không lo. Nếu người nào cố ý trốn tránh, có thể cùng chính quyền sở tại có biện pháp mạnh.
Còn những trường hợp phương tiện đã được sang tên, bán lại và nhất là người ngoài tỉnh tạm trú tại Hà Nội, số lượng này khoảng bao nhiêu và xử lí cách nào?
Hiện nay, lượng phương tiện lưu thông từ các tỉnh về chiếm khoảng 30% phương tiện đang hoạt động tại Hà Nội. Hơn nữa, xe máy ngoại tỉnh dùng biển số giả vào Hà Nội cũng không phải là ít. Nên quá trình xác minh danh tính, tìm được đúng chủ phương tiện có hành vi vi phạm bị ghi hình là rất khó khăn. Không loại trừ trường hợp không đủ thông tin, cơ sở để gọi người đó lên nộp phạt.
Còn trường hợp xe sang tên đổi chủ thì thực tế lần xử phạt năm 2004 cũng đã có rất nhiều trường hợp, khi tìm đến đúng đăng kí xe vi phạm thì họ trả lời: Đã bán xe... từ lâu ngoài chợ trời! Với trường hợp như thế, chúng tôi cũng đành phải bó tay!
So với xử phạt trực tiếp tại hiện trường, chi phí về tiền, con người, thời gian có tốn kém hơn không và hiệu quả ra sao? Liệu trong tương lai, phạt “nguội” có thay thế xử phạt trực tiếp?
Mới sang ngày thứ 2 ghi hình, chưa có xử phạt. Nên nói những chi phí và so sánh là quá sớm!
Tuy nhiên, trước đây, mỗi biên bản xử phạt trực tiếp thường mất chừng 15 phút. Vậy nên vào những giờ cao điểm khó có thể có đủ người để xử phạt, và xử phạt vào lúc đó rất dễ gây ùn tắc. Nên phạt “nguội” cũng hay!
Song, về mặt tiền bạc thì rõ ràng là tốn kém. Chỉ tính riêng 1 hành vi vi phạm chúng tôi đã mất khoảng 15.000đ cho rửa, in tráng ảnh, cao hơn nhiều 1 biên bản xử phạt trực tiếp. Và sở dĩ lần xử phạt qua camera năm 2004 đã không thành công và duy trì được lâu cũng có lí do về kinh phí.
Nhưng lần này, chúng ta quyết tâm thực hiện xử phạt qua hình ảnh nhằm tuyên truyền cho người tham gia giao thông, vốn ý thức còn quá thấp, thường hay tỏ ra đối phó chỉ khi có công an rằng, “giờ đây, dù không có công an, nhưng hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có thể bị ghi lại bất kì lúc nào, ở đâu! Vì thế, hãy chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ đi”!
Xin cám ơn ông!