Xử phạt nghiêm vi phạm giao thông sẽ có tác dụng răn đe

14:40, 17/10/2007

Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, “Việc xử phạt nghiêm sẽ có tác dụng răn đe, nâng cao kỷ cương, kỷ luật, chấp hành giao thông. Phạt không đội mũ bảo hiểm xấp xỉ bằng giá tiền trung bình một chiếc mũ bảo hiểm. Như vậy mới có tác dụng răn đe”.


(VOV)_ Bên lề phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phóng viên báo chí đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng

PV: Thưa Bộ trưởng, Chính phủ đã cho phép kiểm soát việc xử phạt vi phạm giao thông qua camera. Tuy vậy, một số nơi, điển hình là thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng biện pháp này nhưng hiệu quả chưa cao?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Sắp tới, Bộ giao thông có thể áp dụng việc xử phạt vi phạm giao thông qua camera. Chính phủ được quyền quyết định những vấn đề này. Đây là biện pháp mà nhiều nước đã sử dụng. Tuy nhiên sẽ từng bước áp dụng với ôtô trước.

Trước đây việc áp dụng phương pháp này chỉ dừng lại ở quyết định của địa phương, nên tính pháp lý chưa cao. Hai là, khi đó mới đi vào thực hiện nên còn nhiều lúng túng. Từ những hạn chế đó chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn.

PV: Thưa Bộ trưởng, tại những địa điểm tạm giữ xe của các cơ quan chức năng thì lượng xe bị hư hỏng, mất mát khiến dư luận bức xúc. Vậy theo Bộ trưởng liệu có biện pháp nào để thay thế?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Trong Nghị định 146 sửa đổi có quy định tạm đình chỉ lưu hành phương tiện tham gia giao thông nếu bị vi phạm. Có hai cách, một là tạm giữ xe, hai là tạm giữ giấy lưu hành. Có thể người vi phạm không bị tạm giữ xe nhưng giấy phép lái xe, giấy đăng ký có thể bị tạm giữ. Đó là điều kiện cần thiết để áp dụng chế tài này trong xử phạt. Tuỳ từng trường hợp, Công an sẽ quyết định phù hợp. Theo tôi, nếu như đã quyết định bằng hình thức tạm giữ phương tiện, cũng phải xem xét để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý. Trách nhiệm này là của Bộ Công an, chúng tôi sẽ phối hợp để theo dõi.

PV: Tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến cho rằng nên bỏ hình thức phạt là thu giữ phương tiện. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Theo tôi, trước mắt vẫn phải áp dụng biện pháp này. Nhưng về lâu dài có thể nghiên cứu, có thể tăng mức xử phạt hơn nữa, nhưng không giữ phương tiện. Việc xử phạt nghiêm sẽ có tác dụng răn đe, nâng cao kỷ cương, kỷ luật, chấp hành giao thông. Ví dụ, phạt không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông khi điều khiển xe gắn máy trước đây bình quân là 20.000-30.000 đồng thì nay bình quân lên tới mức 100.000-150.000 đồng; hay việc vượt đèn đỏ có thể phạt từ 100.000-200.000 đồng. Giá phạt này xấp xỉ bằng giá tiền trung bình một chiếc mũ bảo hiểm. Như vậy mới có tác dụng răn đe.

Nhưng có những hành vi nếu không thu giữ phương tiện thì lại tiếp tục gây ra tai nạn ví dụ như đua xe, uống rượu khi điều khiển phương tiện…. Những trường hợp như thế này bắt buộc phải giữ phương tiện.

PV: Việc người tham gia giao thông nộp phạt trực tiếp cho cảnh sát giao thông như thời gian vừa qua đã gây ra không ít tiêu cực, đồng thời tạo ra hạn chế là thiếu tính răn đe. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Đã có nhiều giải pháp được áp dụng, có lúc lập biên bản rồi người vi phạm phải ra kho bạc Nhà nước nộp tiền. Bây giờ vẫn có thể làm được như thế. Đối với việc nộp phạt trực tiếp bao giờ cũng có những ưu điểm và hạn chế. Ví dụ ra Ngân hàng, Kho bạc nộp phạt, đôi khi gây khó khăn cho người vi phạm trọng việc thực hiện các thủ tục giấy tờ, đi lại… Nhưng nếu công an xử phạt trực tiếp có thể nhanh, gọn hơn nhưng có thể xảy ra tiêu cực. Với những mặt được, chưa được, chúng tôi sẽ tiếp tục để quan sát thực tế và có giải pháp thiết thực nhất.

PV: Một giải pháp có tính đột phá để hạn chế phương tiện cá nhân được đề nghị ở phiên họp là đánh thuế mạnh hơn nữa các phương tiện cá nhân. Ông có ý kiến gì về đề xuất này?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Chúng tôi cũng đồng ý với hướng xem xét để tăng thuế với phương tiện cá nhân. Khi tham gia giao thông, các phương tiện cơ giới ở các nước đều có thuế, phí về giao thông, môi trường để hỗ trợ cho việc duy tu, bảo dưỡng đường, cải thiện môi trường giao thông. Còn ở nước ta, giá phương tiện giao thông cao, nhưng tất cả những việc đảm bảo cho các phương tiện đó hoạt động lại rất thấp so với nhiều nước. Thuế, các loại phí, bảo hiểm chi phí cho giao thông tĩnh như: bãi đỗ xe rất thấp nên không khuyến khích được các dịch vụ này. Tôi nghĩ việc tăng chi phí thuế ở một số phương tiện giao thông là cần thiết.

PV: Nhiều người cho rằng, một trong những lý do ùn tắc giao thông là do quỹ đất giành cho giao thông quá ít. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới có sự điều chỉnh quỹ đất này như thế nào?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Đúng là quỹ đất cho giao thông tĩnh quá thấp. Theo quy định là 20-25% quỹ đất dành cho giao thông tĩnh và giao thông lưu thông, nhưng trên thực tế chỉ đạt 5-7%. Tuy nhiên, quy hoạch về giao thông phải đặt trong quy hoạch kinh tế-xã hội tổng thể chứ không thể tách riêng ra được.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.