Tăng cường kiểm tra thực hiện mặc áo phao khi đi đò

03:40, 22/12/2007

Cũng như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô-tô, xe gắn máy, cuộc vận động người đi đò mặc áo phao chỉ có thể thực hiện thành công khi có sự quan tâm ủng hộ của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.

Những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa diễn biến phức tạp. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra, nhất là đối với phương tiện chở khách ngang sông, làm chết nhiều người, chìm đắm nhiều phương tiện.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1997 đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 3.370 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết và mất tích 2.304 người, bị thương 483 người, chìm đắm 1.944 phương tiện, thiệt hại về tài sản gần 100 tỷ đồng. Nhiều vụ tai nạn đường thuỷ đã làm chết và mất tích nhiều người, trong đó có nhiều vụ đắm đò ngang làm chết nhiều em học sinh rất thương tâm, và nhiều gia đình đã mất người lao động chính. Ðiển hình như vụ đắm đò ngang trên sông Thu Bồn (Quảng Nam) ngày 19-5-2003 làm chết 18 học sinh; vụ lật thuyền trên sông Cửa Lục (Quảng Ninh), ngày 26-8-2004 làm 16 người chết và mất tích; vụ đắm đò làm chết 19 học sinh tại bến đò Chôm Lôm (Nghệ An) mùa lũ năm 2006...

Ðể chủ động phòng ngừa những trường hợp chết do tai nạn giao thông đường thủy, từ năm 2005, Cục Ðường sông Việt Nam, Văn phòng Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cùng các cơ quan chức năng và Ban an toàn giao thông các địa phương đã đề xuất biện pháp mặc áo phao đối với hành khách qua sông bằng phương tiện đò ngang. Ðây là chủ trương có ý nghĩa lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân.

Ðến nay, sau hơn hai năm triển khai cuộc vận động, đã có 21 tỉnh, thành phố hưởng ứng với hàng nghìn chiếc áo phao được hỗ trợ, cấp phát miễn phí cho chủ phương tiện hành nghề ở các bến đò của địa phương, nhất là các em học sinh phải thường xuyên đến trường bằng phương tiện đò ngang.

Hiện nay 1.480 bến, chiếm 56% tổng số bến đò trong toàn quốc được cấp áo phao miễn phí. Nhiều địa phương đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để trang bị áo phao, như Quảng Ninh 8.669 chiếc; Nghệ An 2.675 chiếc, Thanh Hóa 2.030 chiếc, Thái Bình 950 chiếc, Cần Thơ 850 chiếc, Ðồng Tháp 774 chiếc, Bạc Liêu 723 chiếc, Bình Ðịnh 600 chiếc, Hà Tĩnh 600 chiếc, Long An 450 chiếc...

Việc sử dụng áo phao khi đi đò bước đầu đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại một số bến đò được trang bị áo phao, tình trạng chở quá số người theo quy định vẫn diễn ra, người đi đò vẫn chủ quan với tính mạng, chưa có thói quen mặc áo phao. Trong khi đó, chủ bến đò, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm thường xuyên đến việc kiểm tra, nhắc nhở, vận động hành khách mặc áo phao tại bến, không kiểm tra chủ bến thực hiện nghiêm túc cam kết "sử dụng và quản lý có hiệu quả áo phao được trang cấp".

Bên cạnh đó, việc sản xuất, cấp phát áo phao cũng có nhiều bất cập chưa hấp dẫn người sử dụng, nhất là kiểu dáng, hình thức áo phao chưa tiện lợi, còn nặng nề, cồng kềnh. Thêm vào đó, do điều kiện thời tiết, còn có tâm lý ngại ngùng khi mặc áo phao khi xuống đò, nhất là đối với các em học sinh...

Ðể việc mặc áo phao trở thành nhu cầu không thể thiếu của người đi đò, chúng tôi đề nghị:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức về mặc áo phao khi đi đò ở tất cả các bến đò trong cả nước, nhất là tại các trường học có nhiều học sinh đến trường phải qua sông bằng đò ngang.

Hai là, tổ chức nghiên cứu, cải tiến áo phao cho phù hợp về kiểu dáng, chất liệu, bảo đảm tiện lợi khi sử dụng đối với các lứa tuổi.

Ba là, tăng cường kiểm tra việc thực hiện mặc áo phao tại các bến đò đã được trang bị áo; có biện pháp xử lý đối với chủ bến không chấp hành nội quy, quy chế quản lý và sử dụng áo phao.

Bốn là, đề nghị Chính phủ có quy định bắt buộc mặc áo phao đối với người tham gia giao thông bằng phương tiện đò ngang; bổ sung chế tài, mức xử phạt đối với chủ phương tiện và người đi đò không mặc áo phao.

Cũng như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô-tô, xe gắn máy, cuộc vận động người đi đò mặc áo phao chỉ có thể thực hiện thành công khi có sự quan tâm ủng hộ của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. "Vì an toàn của bạn hãy mặc áo phao khi đi đò".