Mỗi ngày TP.HCM có 4 người chết và bị thương vì TNGT

08:03, 06/08/2008

Trung bình mỗi ngày TP.HCM có khoảng 4 người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT). Ùn tắc giao thông tại TP.HCM cũng đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng trầm trọng trong những tháng cuối năm.

Người đi bộ gây tai nạn tăng

‘’Trong 6 tháng đầu năm 2008, thành phố xảy ra 530 vụ TNGT, làm chết 467 người và bị thương 174 người’’- ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT kiêm Phó ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết tại hội nghị sơ kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Điều đặc biệt, TNGT gia tăng ở các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh- những nơi mật độ giao thông thưa thớt hơn so với khu vực nội thành. Thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố cho thấy đối tượng điều khiển xe gắn máy dẫn đầu trong danh sách gây ra tai nạn.

Ông Phượng cho biết thêm, càng ngày đối tượng người đi bộ gây ra TNGT làm chết người càng nhiều. Trong số các nguyên nhân khiến mỗi năm, hàng ngàn người tại TP.HCM chết, bị thương do tai nạn xe cộ, gây ra “thảm họa” cho nhiều gia đình, xã hội lỗi của người đi bộ không đúng quy định chỉ đứng sau nguyên nhân phương tiện lưu thông không đúng phần đường và vi phạm tốc độ quy định.

Mặc dù thời gian gần đây, CSGT TP.HCM đã tăng cường xử phạt đối với người đi bộ, đặc biệt là lỗi băng ngang, trèo qua dãy phân cách không đúng quy định nhưng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến và đang ở mức “báo động”.

Ông Vương Tài Phước, Phó Chủ tịch UBND Q.11 nói 6/20 vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn quận là do lỗi của người đi bộ không đúng phần đường.

Tiêu chí thống kê cũng rất đáng chú ý là TNGT đường bộ thường xảy ra nhiều nhất từ 19h giờ đến hết 1h sáng hôm sau. Số vụ TNGT xảy ra trong khoảng thời gian kéo dài 7 tiếng đồng hồ là 254 vụ trên tổng số 513 vụ (chiếm 49,5%). Bên cạnh đó, số người tử vong nhiều nhất do TNGT có độ tuổi từ 16- 35 tuổi.

Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, kiêm Trưởng ban An toàn giao thông thành phố có sự liên quan mật thiết giữa TNGT và thói quen “tụ tập”, “nhậu nhẹt” về đêm của giới trẻ thành phố ngoài giờ hành chính. “CSGT phải tăng cường tuần tra, xử phạt về đêm, nhất là đối với những trường hợp tụ tập đua xe, lạng lách”- ông Quân chỉ đạo.

‘’Thổi còi’’ nhà thầu gây tai nạn

Số lượng ôtô, môtô, xe máy gia tăng “ồ ạt” là một trong những nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông và TNGT tại TP.HCM tăng cao.

Theo Phòng CSGT đường bộ và Công an các quận, huyện 21.712 xe ô tô và 190.644 môtô, gắn máy được cấp mới đưa tổng số phương tiện giao thông tại TP.HCM lên đến 3,5 triệu xe.

Bình quân, mỗi ngày, thành phố có thêm 120 xe ôtô và 1.050 xe môtô, gắn máy. Trong khi đó, đường sá tại TP.HCM phần lớn đều hẹp; các công trình trọng điểm có rào chắn chiếm dụng lòng đường để thi công vẫn tiếp tục “mọc lên” như nấm.

Đại diện UBND Q.2- một trong những địa bàn có số vụ TNGT, ùn tắc giao thông cao cho biết đường rộng nhất ở quận này chỉ vào khoảng 6,3m.

“Chuẩn bị vào năm học mới, sinh viên, học sinh nhập học sẽ tăng thêm khoảng 500.000 người; số lượng đăng ký phương tiện giao thông cũng sẽ không dừng lại. Do vậy từ nay đến cuối năm, ùn tắc giao thông sẽ cao hơn”- Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nói.

Nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông và TNGT tại các công trình thi công, ông Quân yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện theo dõi sát sao, xử lý nghiêm đối với những trường hợp nhà thầu thi công “lấn đường”, gây ra tai nạn.

Ông Quân cho rằng, đối với những vụ chết người tại những công trình che chắn thiếu an toàn, nhà thầu phải bị xử lý hình sự. Về mặt quản lý nhà nước, UBND thành phố sẽ rút giấy phép không cho những đơn vị này tiếp tục thi công các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.

Ông Phượng cũng cho biết, để hạn chế số lượng người tham gia giao thông quá đông vào giờ cao điểm, vào giữa tháng 8/2008, Sở GTVT sẽ trình UBND TP.HCM thí điểm đề án vận động người dân sử dụng xe buýt. Trước mắt, sẽ vận động những đối tượng là đảng viên, cán bộ, công nhân viên chức tại các cơ quan nhà nước. Sau đó sẽ phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân.

UBND TP.HCM cũng đã làm việc với giám đốc, hiệu trường các bệnh viện, trường học tại thành phố thống nhất chủ trương không cấp phép xây dựng thêm trường học, bệnh viện trong nội thành. Thậm chí, những khu cao ốc ngay tại trung tâm cũng sẽ được hạn chế xây dựng nhằm tránh tập trung lượng người quá đông vào khu vực trung tâm gây “quá tải” thành phố.