Mở rộng vì lợi đủ đường!

14:33, 17/09/2008

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Công an về việc mở rộng hệ thống giám sát giao thông bằng hình ảnh ra các tuyến quốc lộ khác sau hơn 3 tháng thí điểm hệ thống này trên Quốc lộ 1 đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng được đưa ra trong buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan về xây dựng hệ thống giám sát này, vào chiều 17/9, tại Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C26).

''Lợi đủ đường''!

Sau 3 tháng thực hiện, kết quả mà hệ thống giám sát này mang lại, theo đánh giá của C26 và Tập đoàn Hải Châu (đơn vị đầu tư kinh phí, công nghệ cho hệ thống) là: "lợi đủ đường"!

Báo cáo của C26 cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu (tháng 6-7/2008) thí điểm trên 100 km tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, hệ thống này đã đạt được kết quả như mong đợi trên cả 3 mặt: giảm tai nạn giao thông, hiện đại hóa việc giám sát giao thông và nhất là nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện.

So với cùng kỳ thời gian trước khi thực hiện thí điểm giám sát bằng hình ảnh, số vụ tai nạn giảm 7 vụ (33%), số người chết giảm 7 người (35%) và số người bị thương giảm 4 người (40%); không có tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và ùn tắc xảy ra.

Đặc biệt, hệ thống này đã giúp kiểm soát được tình hình lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, từng bước hiện đại hóa giám sát xử lý vi phạm, giảm bớt lực lượng có mặt trên đường và hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu trong khi xử phạt.

Trong thời gian nói trên, cả giữa thời tiết xấu như mưa, sương mù, ban đêm, hệ thống này đã phát hiện, giúp lập biên bản trên 1.700 trường hợp. Trong đó, 990 xe khách, 537 xe con, 168 xe tải; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 66 trường hợp.

Theo đánh giá của C26, các hành vi vi phạm phổ biến là quá tốc độ: 898 trường hợp; đi không đúng phần đường: 705 xe ô tô; vượt đèn đỏ: 106 ô tô.

Đáng chú ý, hệ thống giám sát bằng hình ảnh đã giúp lực lượng chức năng ra thông báo "phạt nguội" 93 trường hợp; trong số này có 42 người đòi xem lại hình ảnh đã "tâm phục khẩu phục" và ký vào biên bản mà không có bất kỳ khiếu nại gì.

Tập đoàn Hải Châu, đơn vị đầu tư kinh phí, công nghệ, thiết bị cũng cho biết, chi phí duy trì, bảo dưỡng cũng không quá cao. Hệ thống lại có tính năng mở, dễ dàng nâng cấp theo yêu cầu nên lợi ích kinh tế cũng rất rõ rệt.

''Mở rộng mô hình càng sớm càng tốt''!

Trước những hiệu quả do hệ thống này mang lại, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo phải khẩn trương mở rộng mô hình giám sát bằng hình ảnh này ra các tuyến khác, nhất là các tuyến Quốc lộ 1 đoạn Bình Thuận - Ninh Thuận, và Quốc lộ 5, nơi có mật độ phương tiện giao thông cao và hay xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

"Do mới thí điểm nên hiệu quả chỉ mới trên phạm vi 100km. Vì vậy, việc triển khai mở rộng mô hình này phải càng sớm càng tốt" - Phó Thủ tướng chỉ đạo và nhấn mạnh: "Tác dụng lớn nhất của hệ thống giám sát này là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, tránh được tình trạng đối phó, chỉ tuân thủ khi thấy bóng dáng CSGT, vấn đề lớn nhất trong việc đảm bảo trật tự ATGT hiện nay".

Bộ Công an cũng kiến nghị với Phó Thủ tướng cho mở rộng mô hình xã hội hóa đầu tư, lắp ráp thiết bị kỹ thuật trên các tuyến giao thông đường bộ như thí điểm với Tập đoàn Hải Châu. Đồng thời, cho phép các tỉnh, thành được sử dụng nguồn kinh phí từ xử phạt trật tự ATGT để lắp thiết bị, mở rộng hệ thống này.

Trước mắt, Bộ Công an xin ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về nguồn kinh phí triển khai dự án xây dựng Trung tâm chỉ huy CSGT toàn quốc đặt tại C26 và xây dựng các trạm CSGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm trong đề án mở rộng hệ thống giám sát này.