Vì sao Hà Nội gia tăng ùn tắc giao thông?

15:50, 16/11/2008

Bài 1: Bất cập tổ chức giao thông?.

Theo Công an Tp. Hà Nội, trên địa bàn hiện tồn tại khoảng 76 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc và mất trật tự ATGT giờ cao điểm. Qua khảo sát, bất cập tổ chức giao thông là một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng này.

 

 Liên tục từ đầu năm đến nay, tuyến đường từ QL5 qua cầu Thanh Trì, sang ngã ba đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, đã xảy ra ùn tắc giao thông giờ cao điểm, đặc biệt vào các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật...

 

Qua tìm hiểu thực tế, tuyến đường trên hiện có 4 điểm gây ùn tắc giao thông cục bộ. Đó là, khu vực ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng; ngã ba Yên Sở (đường đi cầu Chương Dương và Thanh Trì); ngã ba đường dẫn lên cầu Thanh Trì (đi vào đường Lĩnh Nam) - Đê Thanh Trì và QL5 - đường dẫn cầu Thanh Trì. Ngã ba Yên Sở, sở dĩ hay ùn tắc là do khu vực này vòng cua hẹp, không có vòng xuyến, vạch sơn phân làn, hệ thống đèn tín hiệu giao thông và phương tiện được phép lưu thông về 6 hướng. Vì vậy, vào giờ cao điểm xe ôtô tải, buýt... di chuyển đối đầu nhau, cắt ngang các hướng rẽ của các phương tiện khác.

 

Còn tại ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng, gần một năm nay, là cửa ngõ phía Nam đi vào Thủ đô nhưng lại thường xuyên xảy ra tình trạng xung đột giao thông do tuyến đường hiện đang bị xuống cấp trầm trọng, mưa xuống thì lầy lội bùn đất, nắng lên bụi mù trời và đầy "ổ gà", "ổ trâu"...

 

Ông Nguyễn Văn Toán - Đội CSGT số 4 cho biết: "Lòng đường chật hẹp, mật độ phương tiện gia tăng, chỉ cần một xe ôtô hư hỏng, chết máy giữa đường, ngay lập tức toàn tuyến bị ùn tắc giao thông kéo dài cả kilômét. Ngoài ra, vì không có vạch sơn phân làn, vòng xuyến nên tại ngã ba Pháp Vân - QLlA (cũ) xuất hiện phổ biến phương tiện không lưu thông theo dòng, dẫn tới xung đột giao thông vào giờ cao điểm, gây "ùn ứ" phương tiện".

 

Trong nội thành Hà Nội, điển hình hiện tượng ùn tắc là nút giao thông Kim Liên. Từ khi khởi công xây dựng, do đơn vi thi công "rào đường" chỉ dành một lối đi hẹp, không đáp ứng khả năng thông qua của phương tiện nên gây ra hiện tượng ùn ứ. Hơn thế, vào giờ cao điểm, người tham gia giao thông thường "mạnh ai nấy tiến" trong khi thiếu sự hướng dẫn của lực lượng hướng dẫn giao thông.

 

Đặc biệt, gần đây đơn vị thi công mở một đường ngang cắt qua công trình từ đường Đại Cồ Việt sang đường Trần Đại Nghĩa đã dẫn tới dòng phương tiện lưu thông bị chồng chéo, gây xung đột và ùn tắc.

 

 

Bà Nguyễn Thị L - 56 tuổi, nhà trên đường Đại Cồ Việt phản ánh: "Từ ngày xuất hiện đường ngang này, các phương tiện không thể lưu thông theo dòng, nhiều người tham gia giao thông chen lấn, gây mất trật tự ATGT".

 

Đáng chú ý, tình trạng ùn tắc giao thông cũng diễn ra tại các tuyến đường đã tổ chức tách làn theo loại phương tiện (như Thái Hà - Chùa Bộc, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt...). Điển hình, nút giao thông ngã ba Võ Thị Sáu - Trần Khát Chân, một số phương tiện khi chuyển làn, chuyển hướng do không quan sát, nhường đường, dẫn tới tình trạng hỗn loạn giao thông khi các loại phương tiện cố tình chen lấn, chạy cắt ngang.

 

Ông Hoàng Văn Mạnh - Phó Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Qua khảo sát, phần lớn "điểm nóng" xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố tập trung chủ yếu tại các điểm giao cắt ngã ba, ngã tư và gần các công trình đang thi công (như tuyến QL5 qua cầu Thanh Trì sang đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, nút giao thông Kim Liên...) do công tác phân luồng, phân làn phụ thuộc chủ yếu vào nhà thầu thi công và ý thức người tham gia giao thông".

 

Để khắc phục, thành phố vừa chỉ đạo, tại 76 điểm nóng ùn tắc giao thông, lực lượng CSGT và TTGT bố trí mỗi nút từ 3 - 5 chiến sĩ tăng cường công tác phân làn, chống ùn tắc giao thông giờ cao điểm.