Vì sao Hà Nội gia tăng ùn tắc giao thông?

09:38, 19/11/2008

Bài 2: Quản lý phương tiện - phát triển hạ tầng: Hai khâu yếu

Diện tích đất dành cho giao thông đô thị thấp, các tuyến đường xuống cấp do xe ôtô quá tải tàn phá, tình trạng đào đường tràn lan và các dự án, công trình "trọng điểm" giao thông ì ạch cùng với lượng phương tiện gia tăng ngoài tầm kiểm soát, khiến ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng.

Áp lực gia tăng phương tiện

Theo Phòng CSGT Công an Tp. Hà Nội, trên địa bàn hiện có hơn 2 triệu môtô, xe gắn máy và khoảng 230.000 xe ôtô (chưa tính phương tiện vãng lai). Trong khi đó, quỹ đất dành cho phát triển giao thông mới chỉ đạt từ 3 - 4%. Vì vậy, nếu chia bình quân đầu phương tiện trên mỗi kilômét đường, thành phố chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thực tế và lượng quá tải lên đến 200% trong giờ cao điểm.


Đáng lưu ý, sau khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội (ngày 1/8/2008), mật độ phương tiện lưu thông khu vực nội thành tăng đột biến bởi hơn 30 cơ quan, đơn vị hành chính phải di chuyển từ nội thành Hà Nội cũ vào Tp. Hà Đông và ngược lại. Vì vậy, một số tuyến đường trên địa bàn thành phố mở rộng bị "quá tải".


Điển hình, tuyến đường Nguyễn Trãi, hơn 2 tháng qua liên tục xảy ra ùn tắc tại các nút giao thông Nguyễn Trãi - Lương Thế Vinh, Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi - Nguyễn Quý Đức... Khá nhiều cán bộ, công nhân viên chức sinh sống tại Hà Nội, cơ quan chuyển trụ sở làm việc ở Tp. Hà Đông phải di chuyển qua đường 70 để tránh ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, do mới có quyết định điều tiết ôtô tải trên QL6 (đoạn cầu Hà Đông - Ngã Tư Sở) đi về đường 70 - cầu Thăng Long, tuyến đường này ngày càng gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông.

Tương tự, tuyến đường Giải Phóng, nhất là ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng, nút giao thông Lê Thanh Nghị - Giải Phóng và Giải Phóng - Đại Cồ Việt - Lê Duẩn cũng luôn xảy ra ùn tắc giao thông từ 7h - 8h30'' và 17h30'' - 19h30''. 3 tháng gần đây, nút giao thông Kim Liên - Ô Chợ Dừa cũng xảy ra ùn tắc giao thông do áp lực phương tiện gia tăng đột biến. Tại đây, Phòng CSGT Công an Tp. Hà Nội bố trí thường trực từ 3 - 5 chiến sĩ tổ chức phân luồng, nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để ùn tắc giao thông kéo dài.

Dự án “trọng điểm” tiến độ rùa (!?)


Điển hình, tuyến QL32 sau gần 3 năm thi công vẫn chưa hoàn thành và người dân hai bên đường hàng ngày vẫn phải sống chung với bụi, mặt đường đầy "ổ gà", "ổ trâu". Nút giao thông Kim Liên (Chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội), đến nay mới hoàn thành gần 50% khối lượng công việc, dự kiến tháng 12/2009 mới hoàn thành, đồng nghĩa trong cả năm 2009, dự báo tại đây vẫn sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Đáng lưu ý, trong đợt kiểm tra gần đây nhất của UBND Tp. Hà Nội, ngay các dự án "trọng điểm" kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng nằm trong tình trạng bị chậm tiến độ thi công, điển hình là dự án đường 5 kéo dài, cầu Vĩnh Tuy, Nhật Tân...


Còn các dự án đường sắt trên cao, nhiều tuyến hiện vẫn chưa hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng như: tuyến xe điện số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội), tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Thượng Đình)... Hay tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông - Ba La (Cục Đường sắt VN làm chủ đầu tư), sau 5 năm chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu hiện vẫn trong giai đoạn chờ thời điểm thi công (!?).


Trong khi đó, nhiều tuyến đường trên địa bàn vừa khánh thành đã bị xuống cấp, hư hỏng do xe tải nặng tàn phá. Đường Trường Chinh, sau khi cầu vượt Ngã Tư Sở hoàn thành (tháng 12/2007), UBND thành phố đã đầu tư kinh phí thảm lại mặt đường, nhưng tiếc thay, chỉ một thời gian ngắn sau, do đào phá đường "vô tội vạ" lắp cáp điện thoại, xe quá tải hoành hành, đến nay mặt đường đã bị "vá víu" chằng chịt, chỗ lồi, chỗ lõm. Hay đường Tam Trinh, sau nhiều năm chịu hàng ngàn lượt xe quá tải, đến nay mặt đường xuất hiện hàng trăm "ổ gà", "ổ trâu"...


Tương tự là đường Lương Thế Vinh, Khuất Duy Tiến, đê Thanh Trì, Lĩnh Nam... Các tuyến đường "tạm" nằm kề bên các công đang thi công như Nút giao thông Kim Liên (đường Đại Cồ Việt), cầu Thanh Trì (QL1A cũ đoạn ngã ba Pháp Vân - Tam Trinh, đê Thanh Trì, đường dẫn lên cầu Thanh Trì)..., do không được quan tâm, tu sửa thường xuyên nên cũng đang bị xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự ATGT đô thị.


Với tình trạng này, nếu không có các biện pháp phân luồng, tổ chức giao thông hợp lý thì ùn tắc giao thông thời gian tới chắc chắn vẫn sẽ còn tiếp diễn.