Bao giờ mới hết tắc cầu?

16:29, 16/12/2008

Gần 2 năm nay, cảnh ùn tắc giao thông trên tuyến đường Hà Đông-Văn Điển xảy ra như cơm bữa, nguyên nhân do cầu Tó đang xuống cấp nghiêm trọng. Người có công việc thường xuyên phải đi qua tuyến đường này chỉ còn biết “dài cổ” chờ... đến lượt qua cầu.

Mất vài tiếng để đi qua đoạn đường 7 km

Tuyến đường Hà Đông-Văn Điển (ĐT 430), nối liền quốc lộ 1A và 6A. Đây được coi là trục đường vành đai quan trọng, với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông hàng ngày qua đây rất lớn, nhất là các xe ô tô có tải trọng lớn, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh Tây Bắc và ngược lại.

Vì quan trọng, khoảng 6-7 năm trước, để đáp ứng số lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng, tránh ùn tắc giao thông trên trục đường này, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp mặt đường rộng hơn, thông thoáng hơn. Nhờ đó, trong một thời gian dài tình hình trật tự ATGT trên tuyến đã được đảm bảo, vào mùa khô gần như không có cảnh ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, do đầu tư thiếu đồng bộ, chỉ cải tạo, nâng cấp đường mà chưa chú trọng đến cầu, nên gần 2 năm nay, khi cầu Tó xuống cấp, cảnh ùn tắc giao thông kéo dài trên đoạn tuyến lại xảy ra hàng ngày. Với chiều dài 7 km, đoạn tuyến Hà Đông-Văn Điển có 4 cây cầu được xây dựng từ vài chục năm trước. Trong đó, trên đoạn đường dài hơn 2 km (từ Khu đô thị Xa La đến Công ty CP gốm Đại Thanh) tập trung đến 3 cây cầu, đó là cầu Yên Xá, cầu Bươu và cầu Tó.

Song, cầu Tó được coi là điểm giao thông quan trọng nhất, bởi nó nằm ở nút giao cắt giữa đường Kim Giang (đường đi Ngã Tư Sở) và đường 430. Mặc dù cầu chỉ có chiều dài 13 mét, bắc qua sông Tô Lịch, nhưng do xây dựng đã lâu, lại thiếu sự quan tâm duy tu, bảo dưỡng, trong khi những năm gần đây lưu lượng xe tải trọng lớn qua đây rất nhiều, nên cầu đã nhanh chóng bị xuống cấp, rất nguy hiểm.

Mọi người hy vọng tình trạng trên sẽ chấm dứt, khi cơ quan chức năng cho áp dụng giải pháp thu hẹp lòng cầu, lắp đặt các thanh dầm, nâng cao mặt cầu (được coi là cầu tạm) để các phương tiện giao thông có thể lưu thông được. Nhưng do cầu tạm chỉ vừa đủ một làn xe ô tô, nên tình trạng ùn tắc giao thông lại xảy ra thường xuyên. Bất kể sáng, trưa, chiều, tối, trời nắng hay trời mưa, ngày nào cũng như ngày nào, ô tô xếp hàng dài 2 bên đầu cầu để chờ đến lượt qua cầu Tó.

Thêm vào đó, vì khoảng cách giữa cầu Tó và cầu Bươu rất ngắn (gần 1 km), trong khi cầu Bươu lại rất hẹp, hiện cơ quan chức năng đang cho tiến hành gia cố. Do đó, ô tô vừa qua khỏi cầu Tó lại phải đi chậm lại để tránh nhau khi qua cầu Bươu, tạo thành sự ùn tắc liên hoàn, kéo dài vài cây số.

Trong tình cảnh đó, nói xếp hàng có lẽ chỉ đúng với ô tô tải lớn, ô tô khách, còn phần lớn ô tô tải trọng nhỏ, hoặc ô tô con cứ thấy đường chỗ nào còn trống là lách vào. Người ta cứ nghĩ như vậy là tiết kiệm được thời gian, nhưng chính điều đó lại càng làm cho tình trạng ùn tắc thêm trầm trọng hơn. Bởi thiếu ý thức như thế, nên có nhiều đoạn đường không còn một khe hở để người đi bộ có thể đi qua. Trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như vậy, những người đi xe máy, xe đạp cũng không thể đi qua được và đành hậm hực cùng “chịu trận”. Những lúc như thế, những lái khách, xe tải lớn lại ngao ngán nhìn nhau lắc đầu, coi như hôm nay không gặp may, vì phải mất vài tiếng đồng hồ mới thoát ra khỏi tuyến đường này.

Kẻ khóc, người cười vì tắc cầu

Cảnh tắc đường do cầu Tó, cầu Bươu xuống cấp đã quá quen thuộc đối với người dân sinh sống dọc 2 bên tuyến đường Hà Đông-Văn Điển. Đến nỗi, với không ít người dân, ngày nào không được chứng kiến cảnh tắc đường 2-3 lần thì cảm thấy như thiếu một cái gì đó. Mỗi ngày qua đi, cùng với cảnh tắc đường kéo dài trên tuyến đường Hà Đông-Văn Điển có không ít kẻ cười, người khóc.

Có lẽ, hơn ai hết người cười nhiều nhất trên tuyến đường này chính là những người hành nghề “xe ôm”. Với họ thì tắc đường lại là điều kiện thuận lợi để họ kiếm tiền nhiều hơn. Anh Nguyễn Văn Lân, lái xe ôm ở khu vực cầu Tó hể hả: “Trước đây, họa hoằn mới có một khách đi xe ôm. Nhưng từ khi cầu Tó ngày nào cũng bị tắc đến nay, thành thử chỗ chúng tôi hành nghề ngay cạnh điểm dừng, đỗ xe buýt lại trở thành đắc địa, chở khách không xuể”. Quả đúng như vậy, những lúc tắc đường, người đi xe buýt trên tuyến đường này đành chấp nhận phải chuyển sang đi xe ôm cho kịp công việc. Từ ngày tắc cầu Tó, các tuyến buýt chạy rất phập phù, không đủ lộ trình dừng, đỗ như quy định vì tắc đường.

Người khóc dở, mếu dở vì tắc đường trên tuyến Hà Đông-Văn Điển có lẽ tập trung ở nhóm học sinh, sinh viên và những người lao động... Nhiều hôm vì tắc cầu Tó, các em học sinh, sinh viên Trường Cao Đẳng Kinh tế (Bộ Công nghiệp) đóng trên địa bàn xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) đành phải quốc bộ hàng cây số để đến điểm dừng, đỗ xe buýt vì chờ thông đường thì muộn học, hoặc hết giờ xe chạy, mà đi xe ôm thì không đủ tiền.

Có những đám cưới quá sốt ruột vì chờ thông đường, sợ qua mất giờ hoàng đạo, cô dâu, chú rể đành ngậm ngùi rời bỏ xe hoa sang trọng để bắt xe ôm về nhà kịp giờ làm lễ thành hôn. Còn nếu là xe cấp cứu không biết sẽ xoay xở ra sao khi gặp cảnh tắc đường, đúng vào đoạn đường “tiến thoái lưỡng nan” này?

Còn nghìn lẻ một chuyện cười dở, mếu dở vì tắc đường trên tuyến Hà Đông-Văn Điển. Nhưng rõ ràng, việc chậm đầu tư xây dựng mới cầu Tó, cầu Bươu ngày nào, thì cảnh tắc đường còn diễn ra ngày đó, và người khổ nhất vẫn là người dân. Không biết các cơ quan chức năng có tính đến những thiệt hại về tiền của, thời gian của xã hội đã và đang hàng ngày diễn ra trên tuyến đường Hà Đông-Văn Điển chỉ vì tắc cầu?