Khi ý thức người tham gia giao thông chưa cao

08:33, 01/12/2008

Phớt lờ quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, nhiều người dân đặc biệt là thanh niên vẫn đầu trần đi ra ngoài đường, thậm chí đèo 3, đèo 4, lạng lách, đánh võng, bất chấp những hiểm họa đối với bản thân và người đi đường.

Theo chân một tổ tuần tra về trật tự an toàn giao thông Công an huyện Phú Bình cắm chốt tại đầu cầu Mây, chúng tôi được chứng kiến nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. 3 nam thanh niên đèo nhau trên một chiếc xe Wave, trong đó 2 người đội mũ bảo hiểm, 1 đầu trần, khi phát hiện tổ tuần tra, người không đội mũ xuống xe lững thững đi bộ, 2 người còn lại phóng xe qua. Qua điểm chốt chừng 100m, 2 thanh niên đỗ lại chờ người đi bộ lên xe rồi lại tiếp tục… "zin 3". Một trường hợp khác, 2 thanh niên đầu trần phóng xe từ phía T.P Thái Nguyên với tốc độ cao qua cầu, bất chợt đảo tay lái quay ngược trở lại khi phát hiện tổ tuần tra. Tức tốc, 2 chiến sĩ lên xe bắt đầu cuộc rượt đuổi.

 

Đồng chí Lương Văn Vui, Tổ trưởng tổ tuần tra cho biết: Ở huyện mà cắm chốt kiểu này rất khó bắt được các đối tượng vi phạm, bởi hễ thấy cảnh sát giao thông là chúng quay đầu bỏ chạy vào các ngõ ngách trong làng, trong xóm. Cố rượt đuổi thì sợ xảy ra tai nạn, mà không đuổi thì chúng cứ ngang nhiên thách thức qua mặt cảnh sát giao thông. Chúng tôi đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa các vi phạm về trật tự an toàn giao thông như: Chia làm 2 tổ, một tổ trực ban ngày, một tổ trực ban đêm để có thể giám sát 24/24 giờ việc thực hiện các quy định về giữ gìn trật tự an toàn giao thông của người dân; thực hiện tuần tra cơ động trên khắp các ngả đường, cả với đường làng ngõ xóm… 

 

Với những biện pháp trên, mỗi tháng, trung bình Đội cảnh sát giao thông huyện lập biên bản hàng trăm trường hợp vi phạm các lỗi trên, trong đó lỗi không đội mũ bảo hiểm chiếm 30%. Đây mới chỉ là con số rất nhỏ trong tổng số các lỗi vi phạm của người dân. Tuy nhiên việc kiểm soát vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn bởi: Lực lượng cảnh sát giao thông quá mỏng, địa bàn rộng nên không thể trải đều khắp huyện… hơn nữa đường xá lại nhiều ngõ ngách… 

 

Thiết nghĩ, ngoài việc kiểm tra, giám sát của lực lượng cảnh sát giao thông, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, gia đình cũng cần vào cuộc tuyên truyền, giám sát việc chấp hành nghiêm việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt là mỗi cá nhân tham gia giao thông cần nâng cao ý thức nhằm bảo vệ tính mạng cho bản thân và người đi đường