Nhà xe vẫn mù mờ về hộp đen

09:13, 26/02/2009

Luật Giao thông đường bộ sửa đổi bắt buộc tất cả xe khách đều phải gắn hộp đen từ ngày 1/7/2009. Cho đến thời điểm này, cả doanh nghiệp vận tải lẫn nhà cung cấp “hộp đen” vẫn hết sức mù mờ về thông tin trên.

Mù thông tin

Ông Nguyễn Nghĩa, chủ xe khách Chín Nghĩa, chạy tuyến Quảng Ngãi – TP.HCM cho hay, đến giờ này ông chưa hề được thông tin sẽ gắn hộp đen trên xe khách. Ông Hoàng, chủ xe Ngọc Minh chuyến Sài Gòn – Quy Nhơn cũng tỏ vẻ ngạc nhiên trước thông tin xe khách bắt buộc phải gắn thiết bị hộp đen. “Thậm chí tôi chưa biết thiết bị hộp đen là gì chứ đừng nói sẽ gắn nó lên xe của mình”, ông Hoàng nói.

Cùng thái độ dửng dưng với thông tin trên, bà Bảo Trân, Công ty TNHH DVVT hành khách Trân Bảo Trân, và một đại diện hợp tác xã vận tải Cửu Long – TP. HCM cũng trả lời không biết gì về quy định này và nếu không bắt buộc thì họ sẽ không trang bị hộp đen cho đội xe của mình.

Không những các chủ xe, mà cả các doanh nghiệp - lĩnh vực nhanh nhạy nhất về thông tin thị trường, cũng không hề nắm bắt được thông tin. Hai doanh nghiệp cung cấp hộp đen tại TP. HCM Công ty TNHH Vinh Hiển, và Công ty TNHH Viễn Tân, ngớ người hỏi lại: “Thông tin gắn hộp đen cho xe khách có từ đâu?”.

Trước đây tại Việt Nam cũng có một số dự án về sản xuất hộp đen nhưng sau đó không thực hiện. Theo một kỹ sư công nghệ thông tin, nguyên nhân do thiếu vốn và nguồn cung cấp thiết bị, vi mạch giá rẻ. Hiện nay, các thiết bị hộp đen trong nước vẫn phải nhập linh kiện từ nước ngoài. Đó cũng là một trong những lý do cho đến nay thị trường này vẫn im ắng.

Chủ xe không khoái hộp đen?

Ông Trần Khánh Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam Việt, một trong những doanh nghiệp đã trang bị hộp đen cho hơn 300 xe du lịch cho biết, gắn hộp đen trên xe mang lại nhiều cái lợi. Hộp đen giúp chủ xe, tài xế kiểm soát đội xe một cách hiệu quả, giúp quản lý được các thông số tiêu hao nhiên liệu, cảnh báo để tránh được các rủi ro tai nạn do tài xế phóng nhanh vượt ẩu.

Mặc dù vậy, thiết bị hộp đen vẫn không được giới doanh nghiệp vận tải quan tâm, vì ngoài cái lợi vẫn có cái bất lợi. Chẳng hạn, hiện nay các doanh nghiệp vận tải hành khách đang áp dụng cơ chế quản lý giao khoán nhiên liệu, nếu chạy tiết kiệm thì tài xế được hưởng phần chênh lệch.

Để tiết kiệm, tài xế thường chạy xe với tốc độ cao. Nếu gắn hộp đen trên xe đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải thay đổi cách thức quản lý nhiên liệu, cách thức quản lý thời gian, xe chạy đúng tuyến, đúng tốc độ… “Họ thực sự không muốn bỏ thêm tiền đầu tư mà không thấy ngay hiệu quả trước mắt” – một kỹ sư công nghệ thông tin cho biết.

Thị trường bỏ ngỏ

Cho đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 10 nhà cung cấp hộp đen. Tuy nhiên, nhà sản xuất vẫn phải nhập linh kiện từ nước ngoài và tự viết phần mềm sử dụng thiết bị theo điều kiện giao thông của Việt Nam.

Mặt khác, các thiết bị hộp đen trên thị trường chưa được kiểm định bởi một tổ chức, đơn vị nào. Hầu như các nhà sản xuất tự đưa ra thông số kỹ thuật như thiết bị đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn điện của xe, tự động hoạt động được khi máy xe đã tắt, thích ứng trong điều kiện môi trường nóng ẩm của Việt Nam, truyền tin 15 giây với giá thành 300 – 400 USD/hộp đen/xe.

Khi luật giao thông đường bộ bắt đầu có hiệu lực, Bộ Giao thông vận tải có tính đến việc doanh nghiệp vẫn đảm bảo trang bị đủ thiết bị nhưng đối phó bằng cách gắn các thiết bị kém chất lượng hoặc gắn mà không sử dụng. Những tổ chức, đơn vị nào sẽ kiểm tra chất lượng và hoạt động của hộp đen? “Từ nay đến ngày 01/7/2009, dù cho các công ty có sản xuất đồng loạt thiết bị hộp đen cũng khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu thị trường”, một nhà cung cấp cho biết.

Thế nên, không ít chủ xe cho rằng, thông tin gắn hộp đen đưa ra nhưng giới vận tải vẫn mơ hồ, thị trường cũng không kịp đáp ứng, rõ ràng luật này khi ban hành đã chưa gắn chặt với tình hình thực tế.