Luật Giao thông đường bộ sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009 với một số điểm mới như: Trẻ em từ 6 đến 14 tuổi khi đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm (MBH); cấm lái xe uống rượu bia khi điều khiển xe ô tô, ngưỡng nồng độ cồn cho phép của người điều khiển xe mô tô hạ thấp hơn; cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma tuý…
Trong những ngày vừa qua, chúng tôi đã có mặt tại nhiều tuyến đường nội thị ở T.P Thái Nguyên và trên Quốc lộ 37, Quốc lộ 3… để quan sát việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Điều dễ nhận thấy là nhiều lỗi vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Trên các tuyến đường phố ở T.P Thái Nguyên, nhiều trường hợp cha mẹ, người thân chở các cháu bé trên xe mô tô mà không đội MBH cho các cháu. Chỉ trong vòng khoảng 30 phút có mặt tại tuyến đường Hoàng Văn Thụ, chúng tôi đếm được hàng chục trường hợp vi phạm lỗi này. Ngược lại, trên các tuyến quốc lộ xảy ra tình trạng có không ít người chở con em trên mô tô, xe máy lại đội MBH của người lớn cho các cháu, dẫn tới tình trạng mũ lật về phía sau gáy hoặc che kín mặt (do không vừa đầu), chắc chắn không có tác dụng khi không may xảy ra tai nạn giao thông (TNGT)
Sáng 6/7/2009, chúng tôi đến gặp các cán bộ, chiến sĩ ở tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Đội cảnh sát giao thông (Công an T.P Thái Nguyên) đang làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1B đoạn chạy qua xã Đồng Bẩm của Thành phố. Thiếu tá Ma Văn Khiêm thừa nhận: Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an T.P Thái Nguyên đã được tập huấn nhưng lại không có máy đo nồng độ cồn nên chưa xử lý được lỗi vi phạm này. Điểm quan trọng nữa là đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được bất cứ một văn bản hướng dẫn nào về việc thực thi Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Do đó đối với những quy định phạt mới thì trước mắt chỉ tuyên truyền, nhắc nhở người dân chứ chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt…
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng thực tế cho thấy đến nay vẫn còn rất nhiều người dân chưa nắm được hoặc chỉ biết lơ mơ về các quy định mới. Để góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, giảm thiểu các vụ TNGT, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để toàn dân nắm được những quy định mới trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi từ đó thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, sau khi có các chế tài xử lý những lỗi vi phạm cụ thể theo quy định của Luật Giao thông đường bộ sửa đổi thì đòi hỏi lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, công an xã cần thực hiện nghiêm túc, triệt để. Qua đó góp phần quan trọng để giảm thiểu số vụ TNGT và những thiệt hại về người, tài sản do TNGT gây ra…