Thu phí giao thông điện tử: Không phải dừng xe

08:51, 27/10/2009

Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN - Bộ GTVT) đã báo cáo về việc triển khai thí điểm thu phí không phải dừng xe. Theo đánh giá, việc áp dụng công nghệ mới sẽ đem lại nhiều tiện ích, đặc biệt là hạn chế ùn tắc giao thông…

 

Theo đánh giá của Cục ĐBVN, thực hiện phương thức thu phí giao thông điện tử không phải dừng xe là xu hướng trong giao thông đường bộ hiện đại. Công nghệ này rất phù hợp với các tuyến đường cấp cao và cao tốc. Khi triển khai sẽ không cần đến trạm thu phí truyền thống mà chỉ cần dùng cổng thu phí cho nhiều làn đường và có thể tham gia vào việc điều tiết hoạt động giao thông ở các thành phố lớn với lưu lượng, mật độ phương tiện giao thông cao bằng cách thay đổi mức phí theo từng giờ nhất định.

 

Để đi qua trạm, chủ phương tiện trả phí đường bộ chỉ cần gắn một bộ thiết bị trên xe. Tại những điểm thu phí sẽ được lắp đặt phần mềm tự động, camera để thu thập và xử lý các dữ liệu của phương tiện. Chỉ cần vài giây thiết bị nhận đủ thông tin sẽ tự động mở barie để phương tiện đó đi qua. Được sử dụng bằng hệ thống sóng radio nên thời gian hoàn tất quy trình qua trạm thu phí sẽ diễn ra rất nhanh. Theo ước tính, phương tiện gắn thiết bị này có thể duy trì tốc độ khoảng 40-60km/h khi qua cổng mà không cần phải dừng lại.

 

Để sử dụng loại hình thu phí không phải dừng xe, theo Cục ĐBVN khách hàng phải mở một mã số tài khoản ở ngân hàng. Sau đó, ngân hàng sẽ phát hành thẻ cào chứa các mệnh giá tài khoản và cung cấp rộng khắp trên toàn bộ hệ thống. Người sử dụng phương tiện chỉ cần mua thẻ nạp tiền vào bộ thiết bị gắn trên xe là có thể trả phí đường bộ thuận tiện, đơn giản.

 

Việc áp dụng thu phí “không dừng” đã được Bộ GTVT đặt ra từ lâu, do nhiều nguyên nhân nên đến thời điểm này, phương thức này mới được báo cáo để thực hiện đầu tư, triển khai thí điểm tại 3 trạm thu phí là Thăng Long - Nội Bài, Phú Bài (Thừa - Thiên Huế) và hầm đường bộ Hải Vân. Có rất nhiều công nghệ của các nước, quan trọng hiện nay, đó là lựa chọn công nghệ nào phù hợp với Việt Nam. Bên cạnh đó là cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý trong việc phối hợp thu phí, quản lý đường bộ…