Tháng 9 - Tháng An toàn giao thông (ATGT) năm 2009, tại Hà Nội, TƯ Đoàn đã tổ chức Lễ hội "Thanh niên với văn hóa giao thông" gắn với tuyên dương 40 cảnh sát giao thông trẻ tiêu biểu và 31 đoàn viên xuất sắc trong lĩnh vực tuyên truyền và tham gia bảo đảm trật tự ATGT. Đây được coi như một cuộc khởi động, đồng thời nhân rộng gương tiêu biểu, mô hình kiểu mẫu để triển khai cuộc vận động "Thanh niên với văn hóa giao thông" trong tuổi trẻ Việt Nam.
Tổ chức đoàn nỗ lực vào cuộc
Anh Nguyễn Khắc Toàn, Phó Trưởng ban Mặt trận Tập hợp, đoàn kết thanh niên TƯ Đoàn cho biết: Sau thời gian tổ chức các diễn đàn, hội thảo lấy ý kiến trong đông đảo đoàn viên, thanh niên, Ban Bí thư TƯ Đoàn đã quyết định triển khai cuộc vận động với 3 nội dung: Nâng cao nhận thức cho thanh niên; xung kích đi đầu xây dựng hình ảnh đẹp, cử chỉ, hành vi văn hóa khi tham gia giao thông; tích cực vận động các tổ chức, cá nhân và lực lượng xã hội giữ gìn và bảo vệ các công trình giao thông công cộng. Cuộc vận động triển khai trong 3 năm (2009-2012) trong hệ thống đoàn từ trung ương đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thái độ và hành vi tham gia giao thông của thanh, thiếu niên; đồng thời thông qua vai trò xung kích đi đầu của thanh niên - lực lượng đông đảo khi tham gia giao thông, tạo sự chuyển biến căn bản về cách hành xử của các chủ thể khác khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng một xã hội văn minh trên đường phố.
Nói thì vậy, nhưng xem ra khó có thể đạt được mục tiêu, khi mà hằng ngày có 80% người vi phạm trật tự ATGT là thanh niên. Nỗ lực bằng nhiều cách, đặc biệt là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, TƯ Đoàn đã có chủ trương giới thiệu những cá nhân tiêu biểu ở một số lĩnh vực như các nghệ sĩ, ca sĩ, MC truyền hình, các nhà khoa học, nhà giáo… có uy tín và ảnh hưởng tới xã hội làm sứ giả của tổ chức đoàn, hội, mang thông điệp văn hóa giao thông đến đông đảo bạn trẻ cả nước. Đây là ý tưởng độc đáo, có hiệu quả bước đầu khi các nghệ sĩ hài Xuân Bắc, Tự Long, Hoài Anh tham gia giới thiệu với bạn trẻ nội dung này.
Đổi mới phương pháp tuyên truyền, xử lý vi phạm
Văn hóa giao thông chính là hành vi ứng xử của người tham gia giao thông. Thực tế, bên cạnh một bộ phận không nhỏ thanh niên nhận thức đúng vấn đề này, thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông, thì vẫn còn nhiều thanh niên coi thường pháp luật, thường xuyên đi không đúng làn đường, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí có trường hợp còn thách đố pháp luật, biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Có thể dẫn chứng nhiều hiện tượng vi phạm. Tại tuyến đường Nguyễn Trãi, các chốt giao thông báo đèn đỏ dừng lại nhường đường cho người đi bộ nhưng nhiều bạn trẻ vẫn vượt qua, khi gặp cảnh sát giao thông thì bỏ chạy, nguy cơ xảy ra tai nạn cho người vi phạm và với cả người khác rất lớn. Có bạn rất "oai hùng" nhưng khi vi phạm "bị tóm" thì mới nài nỉ và tỏ ra ân hận, biết lỗi.
Nhằm hạn chế tối đa các đối tượng vi phạm trật tự ATGT, Đoàn Thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như tuyên tuyền, phát tờ rơi nhưng có nơi cũng còn làm qua loa, đại khái, làm cho xong đầu việc... Theo quan điểm của Thành đoàn Hà Nội, cốt lõi xây dựng văn hóa giao thông phải bắt đầu từ công tác giáo dục, từ gia đình, nhà trường và tổ chức đoàn thể. Cần thay đổi phương pháp giáo dục, nâng cao nhận thức cho thanh niên về lĩnh vực này bằng trực quan, có tình tiết, hoàn cảnh cụ thể.
Nhà nước và lực lượng chức năng cũng cần tăng cường xử lý vi phạm, có chế tài mạnh, hiệu quả. Những trường hợp vi phạm không chỉ nộp phạt là xong, mà còn thông báo đến các gia đình, khu dân cư, trường học, từ đó mới tác động đến hành vi của người tham gia giao thông, tạo chuyển biến từ suy nghĩ đến hành động.
Để văn hóa giao thông thực sự thấm vào giới trẻ cũng cần sự nỗ lực vào cuộc từ nhiều phía, không chỉ có tổ chức đoàn, hội, mà phải có sự đồng thuận của toàn xã hội.