Hiện nay tại Việt Nam, mỗi ngày xảy ra 31,3 vụ TNGT; làm chết 30,1 người; bị thương 20,2 người. Đặc biệt, trong số những vụ tai nạn và vi phạm Luật Giao thông thì có tới 20% là do học sinh, sinh viên gây ra.
Trong những năm gần đây, tình trạng học sinh, sinh viên (HSSV) và thanh niên vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở nước ta có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng.
Những con số kinh hoàng!
Theo thống kê của phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội, trong tháng “An toàn giao thông” năm 2009, đơn vị đã xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm là HS các trường phổ thông. Còn tại Đà Nẵng, trong năm 2008, công an thành phố đã xử lý gần 2.000 trường hợp HSSV vi phạm Luật ATGT (trong đó có 1.300 trường hợp bị xử phạt hành chính và 7 trường hợp bị khởi tố do vi phạm Luật Giao thông gây hậu quả nghiêm trọng).
Gần đây, Cục CSGT đường bộ-đường sắt đã cử tổ công tác tiến hành ghi hình HSSV vi phạm an toàn giao thông tại một số điểm trường ở Hà Nội. Qua ghi hình cho thấy, chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ tại cổng trường học có tới hàng chục trường hợp HSSV vi phạm các quy định về an toàn giao thông.
Các lỗi chủ yếu mà HSSV và thanh niên thường hay vi phạm là đi mô tô, xe gắn máy khi không đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ cho phép, lạng lách, đánh võng; không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách, HSSV đi xe đạp, xe máy dàn hàng 3 hàng 4 lấn chiếm lòng đường, chở quá số người quy định. Đặc biệt, khi tham gia giao thông, nhiều HSSV còn có hành vi thiếu văn hóa như: Bóp còi inh ỏi, đùa nghịch nhau khi đang lái xe.
Một vấn đề khác vẫn còn xảy ra, liên quan chủ yếu đến thanh niên, HSSV, gây bức xúc trong xã hội là tình trạng đua xe trái phép. Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ-đường sắt (Bộ Công an), trong năm 2008, cả nước có 991 vụ HSSV, thanh thiếu niên tụ tập tập gây rối trật tự công cộng. Trong đó, cơ quan chức năng đã khởi tố và đề nghị truy tố 3 vụ đua xe trái phép, bắt 5 đối tượng, tạm giữ 1.330 xe mô tô vi phạm để xử lý.
Chỉ trong 6 tháng năm 2009, tại TP Hồ Chí Minh xảy ra 23 vụ tụ tập đi xe mô tô phóng nhanh, lạng lách gây mất trật tự công cộng, tạm giữ 1.117 xe mô tô để xử lý. Thống kê cho thấy, trong tổng số 10.140 vụ TNGT, có 3.720 vụ TNGT liên quan đến đối tượng dưới 24 tuổi và có đến 5.526 nạn nhân dưới 24 tuổi bị chết trong các vụ TNGT.
Trách nhiệm từ học sinh, gia đình và nhà trường
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Mạnh Hùng: Nguyên nhân khiến tình trạng HSSV, thanh niên vi phạm Luật Giao thông dẫn đến gây ra tai nạn là do chính bản thân các em chưa nhận thức đầy đủ hoặc chưa tự giác chấp hành pháp luật.
Trong những năm gần đây, đời sống vật chất của các gia đình được cải thiện hơn nên việc mua một chiếc xe máy cho con em đi học không còn là điều quá khó khăn. Có những bậc phụ huynh thừa biết rằng, con em mình chưa đến độ tuổi đi xe máy đến trường nhưng vì thương con, chiều con mà mua xe để cho con mình được “bằng bạn, bằng bè”. Vì thế, nhiều HS chỉ 15-16 tuổi, không có bằng mô tô, xe gắn máy đã đi xe máy đến trường một cách rất ngang nhiên. Để tránh sự chú ý của nhà trường, nhiều em HS đã mặc áo trùm lên áo đồng phục khi đi xe máy và không đưa xe vào chỗ gửi trong trường vì sợ lộ mà gửi xe máy ở các điểm trông giữ xe tư nhân xung quanh trường.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Lý, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật (tỉnh Thái Bình): Sự phối hợp giữa CSGT với nhà trường và gia đình trong việc quản lý, giáo dục cũng như xử lý những HS vi phạm còn thiếu chặt chẽ, chưa nhịp nhàng. Chẳng hạn như việc các trường hợp vi phạm của HSSV được lực lượng CSGT đường bộ-đường sắt thông báo gửi tới nơi mà người vi phạm học tập thì rất ít trường học phản hồi lại. Việc xử lý bằng các biện pháp khác trong giáo dục chưa triệt để. Ngoài ra, hình thức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm an toàn giao thông là HSSV chưa đủ mạnh nên vẫn còn hiện tượng HSSV không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng cách; chở ba, chở bốn, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách và đua xe.
Để giảm số vụ tai nạn giao thông do HSSV gây ra, ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục Phó Cục CSGT đường bộ-đường sắt (Bộ Công an) cho rằng: Gia đình, nhà trường, cơ quan CSGT và các đoàn thể cần có quy định về sự phối hợp quản lý, giáo dục, tuyền truyền về Luật An toàn giao thông tới HSSV. Bên cạnh đó là vận động HSSV tham gia giao thông có văn hóa, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Tại mỗi điểm trường THPT nên lập ra những tổ chuyên trách theo dõi những HS chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường; đồng thời có sự phối hợp giữa các ngành trong xử phạt vi phạm giao thông với nhiều hình thức xử lý khác nhau như: Hạ hạnh kiểm của HSSV, trừ điểm thi đua đối với những trường học có nhiều HSSV vi phạm Luật Giao thông, gây ra tai nạn giao thông.
Ông Cao Hồng Phong, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, Trường ĐH Cửu Long nêu ý kiến: Các trường ở xa nên bố trí xe đưa đón HSSV bằng ô tô hoặc vận động HSSV đi xe buýt đến trường. Việc làm này sẽ giảm tải tai nạn đáng tiếc xảy ra và giảm thiểu số lượng HS chưa đến tuổi đi xe máy đến trường.