Sửa đổi 6 văn bản “nóng” trong lĩnh vực Giao thông đường thủy nội địa

10:34, 30/03/2010

Thực hiện Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007- 2010, trong lĩnh vực GTVT, Sở GTVT Nam Định đã báo cáo kết quả rà soát, tinh giản các thủ tục hành chính với Tổ Đề án 30 của Bộ GTVT.

 

Xác định rõ cải cách thủ tục hành chính là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mục tiêu của Sở GTVT Nam Định là: Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực GTVT phải đạt được sự minh bạch, thông thoáng giản tiện và dễ tiếp cận để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và người tốt nhất, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quản lý Nhà nước của Ngành.

 

Theo báo cáo của Sở GTVT Nam Định, trong 79 thủ tục hành chính trên 2 lĩnh vực đường bộ và đường thủy nội địa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GTVT, Sở kiến nghị sửa đổi 47 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 59%. Trong đó, lĩnh vực giao thông đường bộ 41 thủ tục; đường thủy nội địa 6 thủ tục.

 

Bao gồm: Thủ tục Đăng ký phương tiện thủy nội địa lần đầu đang khai thác; Thủ tục Đăng ký phương tiện thủy nội địa (thay đổi tính năng kỹ thuật); Thủ tục Đăng ký phương tiện thủy nội địa (chuyển quyền sở hữu nhưng không thay đổi cơ quan đăng ký phương tiện); Thủ tục Đăng ký phương tiện thủy nội địa thay đổi tính năng kỹ thuật; Thủ tục đăng ký phương tiện thủy nội địa (chuyển quyền sở hữu và thay đổi cơ quan đăng ký phương tiện); Thủ tục đăng ký phương tiện thủy nội địa (chuyển trụ sở, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú); Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa.

 

Riêng trong lĩnh vực đào tạo cấp bằng, CCCM người lái phương tiện thủy nội địa, các cơ sở đào tạo tại Nam Định đồng kiến nghị sửa đổi, đơn giản thủ tục trong việc đào tạo Thuyền trưởng hạng 3.

 

Cụ thể, cơ sở đào có tờ trình mở lớp trình lên Sở và Sở cho phép, chứ không cần trình Cục ĐTNĐ vì sẽ chồng chéo mất thời gian. Chỉ đến khi thi sát hạch thì mới cần báo cáo Cục để thành lập hội đồng thi. Đối với việc nâng cấp thuyền trưởng hạng Ba lên hạng Hai, cần rút ngắn thời gian đào tạo đối với người có thâm niên lái tàu và có tuổi từ 45 trở lên.

 

Đối với yêu cầu về trình độ văn hóa, hiện nay bắt buộc phải tốt nghiệp Trung học phổ thông (12/12) thì mới được đào tạo thuyền trưởng là không khả thi vì đặc thù của người dân làm nghề trên sông nước ít có điều kiện học hết 12. Nếu có thì họ cũng chuyển học nghề khác, nên rất ít người chọn học nghề đường thủy. Vì vậy, cần sửa đổi quy định này, yêu cầu tốt nghiệp Trung học cơ sở là đủ.

 

Đối với việc cấp CCCM, không cần phải thêm thủ tục công chứng Chứng minh thư nhân dân, vì thủ tục này gây mất thời gian, gây khó khăn cho người học. Về hình thức thi, nên bỏ hình thức thi viết chuyên đề, áp dụng thi trắc nghiệm là phù hợp.