Hiệu quả từ mô hình tự quản an toàn giao thông

08:26, 13/04/2010

Tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) của Thái Nguyên trong những năm gần đây có xu thế gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do ý thức chấp hành các quy định của người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong thanh, thiếu niên.

 

Xã Tân Đức, huyện Phú Bình cũng không nằm ngoài cái chung đó. Vì thế, khi được chọn làm điểm thành lập mô hình Đội Tự quản về ATGT đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các cấp uỷ, chính quyền, các ngành đoàn thể và người dân nơi đây. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt và có thể nhân rộng.

 

Đội Tự quản ATGT xã Tân Đức được thành lập tháng 2/2009, với 10 thành viên, sự quản lý của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đội chia thành 2 tổ. Mỗi tổ lại được phân công phụ trách cụ thể tình hình ATGT ở 17 xóm và 3 trường học trên địa bàn. Từ thực tế người dân trong xã, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh niên có thói quen không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy; không có Giấy phép lái xe theo quy định; chở hàng cồng kềnh, chở quá số người quy định; uống rượu, bia say, điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ được tốc độ khi tham gia giao thông làm ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự ATGT ở địa phương. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ được Đội đặc biệt coi trọng.

 

Trong năm qua, Đội đã tổ chức được 87 buổi tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan đến Luật Giao thông đường bộ (phát định kỳ vào thứ 4 hàng tuần); phát hiện, nhắc nhở 38 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT và triển khai ký cam kết thực hiện ATGT đối với các hộ bán hàng tại khu vực chợ Tân Đức. Ngoài ra, Đội còn phối hợp với Ban Công an xã thực hiện tuần tra được 88 buổi, qua đó nhắc nhở 86 trường hợp, phát hiện và lập biên bản xử phạt hành chính 340 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 30 triệu đồng. Tổng số ngày công hoạt động của Đội Tự quản ATGT xã Tân Đức trong năm qua là 402 ngày. Hàng tuần và hàng tháng, Đội đều thực hiện giao ban với các tổ; có báo cáo tháng và xây dựng kế hoạch hoạt động của tháng tiếp theo gửi phòng PC26 và PX 28 (Công an tỉnh) theo quy định.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Dương Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã Tân Đức khẳng định: Thời gian hoạt động chưa dài nhưng mô hình tự quản về ATGT ở xã đã phát huy được tác dụng rất tốt. Mô hình ra đời và hoạt động đúng hướng đã phát huy tác dụng, khẳng định được vai trò trong việc tổ chức, tập hợp quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tại cơ sở. Với các hoạt động thường xuyên của Đội Tự quản ATGT, tình hình ATGT của địa phương đã có chuyển biến tích cực; nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông của đại bộ phận nhân dân được nâng lên đáng kể, số vụ tai nạn giao thông trong năm đã giảm đáng rõ rệt. So với năm 2008, xảy ra 4 vụ làm hư hỏng 4 mô tô, 2 người chết, 2 người bị thương (chưa tính đến các vụ tai nạn xảy ra ở địa phương khác liên quan đến người dân trong xã, gây tổn thất không nhỏ về người và tài sản, trong đó có vụ 2 người trong 1 gia đình đều bị chết) thì trong năm 2009, trên địa bàn xã chỉ xảy ra 2 vụ va quệt nhẹ, đã được giải quyết ngay tại cơ sở.

 

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm qua, Đội Tự quản ATGT xã Tân Đức đã đưa ra nhiều phương hướng, nhiệm vụ trong năm thứ 2, trong đó đáng lưu ý có việc tham mưu cho UBND xã phối hợp cũng Ban Công an xã và các đoàn thể tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết thực hiện ATGT tới các hộ dân; phát động phong trào toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, ATGT; xây dựng các mô hình văn hóa giao thông, như: xóm văn hóa giao thông, dòng họ, gia đình văn hóa giao thông… Bên cạnh đó, Đội cũng sẽ thông báo các trường hợp vi phạm trật tự ATGT đến địa phương, cơ quan để kiểm điểm nhắc nhở, đồng thời gắn việc vi phạm với với bình xét danh hiệu thi đua gia đình văn hóa…