Mùa mưa bão năm 2009, ngành GTVT thiệt hại gần 1053 tỷ đồng, với nhiều tuyến đường giao thông, cầu cống bị phá hủy gây ách tắc giao thông.
Với phương châm “chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” ngành GTVT đã nỗ lực hết mình để đảm bảo giao thông.
Mùa mưa bão 2010 với phương châm bảo đảm giao thông thông suốt và chủ động phòng chống để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra cho ngành GTVT. Năm 2009 có 6 cơn bão đổ bộ trực tiếp trong đó có cơn bão số 5 ảnh hưởng đến nước ta gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; bên cạnh đó còn có 2 trận lũ lịch sử ở các sông miền Trung và Tây Nguyên do ảnh hưởng của cơn bão số 9 và 11 gây nên.
Năm 2009 với nhiều cơn bão, lũ, lốc, mưa đá, sạt lở đất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình giao thông. Theo thống kê của Ban PCBL và TKCN Bộ GTVT, thiệt hại do bão lũ gây ra gần 1.053 tỷ đồng, trong đó: đường Quốc lộ do Trung ương quản lý thiệt hại: 178,174 tỷ đồng; Quốc lộ do Trung ương uỷ thác cho địa phương quản lý: 161,935 tỷ đồng; đường sắt: 130 tỷ đồng; đường thủy nội địa: 4,265 tỷ đồng; đường địa phương quản lý: 611.516 tỷ đồng. Khối lượng đất đá sụt lở 3.069.824 m3; mặt đường bong bật, sình lún: 1.575.809m2; 344 cầu, cống bị hư hỏng.
Trước mùa mưa bão 2009, Bộ GTVT đã chủ động lên phương án phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.
Qua chỉ đạo thực tế cho thấy để phòng chống khắc phục thiệt hại có hiệu quả cần thực hiện phương châm “chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, trong đó, phòng, tránh là chính.
Chính vì vậy suốt mùa lũ bão năm 2009 Bộ GTVT đã thống nhất chỉ đạo theo phương châm này nên kết quả thiệt hại đã giảm nhẹ hơn. Ngay sau các cơn bão số 9, 11 và những đợt mưa lũ lớn kéo dài Bộ GTVT đã tổ chức các đoàn công tác đi chỉ đạo tại hiện trường để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đảm bảo giao thông và khắc phục hậu qua do thiên tai gây ra.
Như cơn bão số 9 kèm lũ lớn đã trôi cầu Konbrai trên tuyến quốc lộ 24, địa phận tỉnh Kon Tum, sau 3 ngày đơn vị thi công đã làm xong cầu phao đảm bảo giao thông và sau 45 ngày làm xong cầu tạm.
Sau đó tổng hợp, rút kinh nghiệm kịp thời sau mỗi đợt thiên tai, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị trong ngành GTVT sau các cơn bão lớn: số 9 và số 11, nhằm đẩy nhanh tiến độ đảm bảo giao thông trên các tuyến đường sau bão, lũ. Những vị trí xung yếu đảm bảo giao thông thường xuyên bố trí lực lượng và phương tiện thường trực để ứng phó kịp thời.
Trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị ngành GTVT thực hiện tốt như việc triển khai thực hiện các quy định của Công ước Sar 79, phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Cục Hàng không VN tổ chức diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không tại Hải Phòng. Trong năm 2009 tầu cứu hộ hàng hải đã cứu và hỗ trợ 388 người, trong đó có 55 người nước ngoài.
Trong mùa mưa bão năm 2010, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phương án đảm bảo giao thông ở các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh ven biển, phương án đảm bảo giao thông cụ thể cho một số tuyến đường trọng yếu khi có sự cố tắc các tuyến đường chính như tuyến Bắc - Nam khi QL1 không đi được; tuyến Hà Nội - Tây Bắc khi QL6 tắc; tuyến Hà Nội - Việt Bắc khi QL2 tắc; tuyến đường Hồ Chí Minh... Cục Đường thủy nội địa VN xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra và có kế hoạch bảo vệ các công trình hạ tầng cơ sở đường thủy nội địa; kiểm tra thực hiện giảm tải trong mùa lũ, thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ quốc gia. Ngành Đường sắt VN cần chú ý kiểm tra các tuyến đường sắt Bắc - Nam, tuyến Hà Nội - Lào Cai, tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, các hầm đường sắt, các đoạn đèo, dốc cao... đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và hàng hoá vận chuyển trên các tuyến.
Ngành Hàng hải VN cần tăng cường kiểm tra, bổ sung hệ thống phao tiêu, báo hiệu, khơi thông luồng lạch, kiểm tra hệ thống kho tàng, bến cảng, các vị trí neo đậu của tàu... và làm tốt công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố và được sự huy động của UBQG tìm kiếm cứu nạn.
Các Ban QLDA, Tổng công ty XDCTGT phải kiểm tra và xây dựng kế hoạch PCLB-TKCN cho từng công trường thi công, có kế hoạch đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình.
Bên cạnh đó đề xuất với Ban chỉ đạo PCLB Trung ương có văn bản quy định cơ chế phối hợp giữa Bộ GTVT, Bộ Xây dựng; Ban chỉ huy PCLB và TKCN và Sở Xây dựng các tỉnh về việc thoát lũ, nước mặt cho cả vùng.
Thực tế, khi các tuyến quốc lộ được nâng cấp, cải tạo đưa vào sử dụng thì các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp cũng phát triển thêm hai bên hành lanh đường bộ, vì không có cơ chế phối hợp cụ thể nên khi các công trình này san lấp mặt bằng xây dựng đã làm thay đổi hướng thoát lũ, nước mặt cho cả vùng, trong đó các tuyến đường giao thông bị ngập cục bộ ngay khi có mưa vừa, làm tắc giao thông.