CSGT mặc thường phục phát hiện vi phạm trật tự ATGT: Tăng tính răn đe

11:33, 12/05/2010

Cảnh sát giao thông mặc thường phục xử lý vi phạm đang là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm hiện nay.

 

Bên cạnh quan điểm cho rằng đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm TTATGT, vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau về việc làm thế nào để nhận biết đâu là lực lượng chức năng thật? Làm thế nào để tránh bị kẻ xấu “mượn gió, bẻ măng” gây ảnh hưởng đến người dân?...

 

Cảnh sát giao thông mặc thường phục không được xử lý vi phạm

 

Đây là khẳng định của Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Hà Nội. Thượng tá Ngọc cũng cho biết thêm: Cuối tháng 4 và bước sang tháng 5 năm nay, khi thời tiết bắt đầu nắng nóng, tâm lý ngại đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bắt đầu xuất hiện.

 

Trên tinh thần của Thông tư 27/2009 của Bộ Công an về quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm, trong đó có tổ công tác hóa trang (mặc thường phục) để phối hợp phát hiện vi phạm.

 

Được biết, điểm mới của kế hoạch lần này là mỗi đội CSGT thành lập một tổ mạnh gồm 20 CS, chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 5 CS, gồm 2 CS hóa trang (mặc thường phục). Lực lượng CSGT hóa trang mang theo thẻ Tuần tra giao thông, băng đeo tay có chữ CSGT và thẻ ủy nhiệm của Trưởng phòng CSGT.

 

Khi tuần tra cơ động bằng môtô, lực lượng hóa trang đi trước, làm nhiệm vụ phát hiện và dừng phương tiện vi phạm, xuất trình thẻ ủy nhiệm, đồng thời giải thích cho người vi phạm biết, thông báo bằng bộ đàm cho CSGT trong tổ công tác đi sau phối hợp xử lý.

 

Bên cạnh đó, CSGT khi tiến hành xử phạt sẽ ghi đủ thông tin trên đăng ký xe, giấy phép lái xe của đối tượng vi phạm, để lập hồ sơ lưu theo từng chuyên đề, trường hợp tái phạm, thì áp dụng hình thức tăng nặng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các trường hợp vi phạm sẽ bị gửi thông báo vi phạm về nơi cư trú, học tập, làm việc.

 

Có tránh được kẻ xấu “mượn gió bẻ măng”?

 

Như trên đã nói, cùng với quan điểm ủng hộ kế hoạch mặc thường phục để xử lý vi phạm của CSGT, tuy nhiên rất nhiều người vẫn lo sợ tình trạng kẻ xấu lợi dụng giả danh CSGT. Anh Phạm Minh Hoàng (Trần Duy Hưng - Hà Nội) đặt câu hỏi: Khi bị CSGT mặc thường phục dừng xe, một người dân bình thường như tôi lấy gì để tin rằng đấy là CSGT mà không phải kẻ xấu giả danh?

 

Ngay cả thẻ công an chúng tôi cũng chẳng phân biệt được đâu là thẻ thật, đâu là thẻ giả. Cùng một mối quan tâm, chị Lê Lan Phương (Định Công - Hà Nội) băn khoăn: Con trai thì không sao, con gái như chúng tôi khi đi đường, nhất là vào ban đêm, nếu bị ai đó dừng lại thì chắc cũng chả dám dừng. Khi đó, nếu tôi không chấp hành thì có bị ghép vào tội chống người thi hành công vụ không?

 

Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc khẳng định rất khó để kẻ xấu có thể lợi dụng.

 

Bởi mỗi tổ công tác khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát sẽ được trang bị băng đỏ có ghi chữ CSGT (bắt buộc đeo trên cánh tay khi đi tuần tra), có giấy ủy quyền của Trưởng phòng CSGT ký và có giấy chứng nhận CAND. Khi phát hiện vi phạm trên đường, những đồng chí hóa trang có nhiệm vụ thông báo cho người vi phạm biết, yêu cầu họ chấp hành, cùng lúc đó dùng bộ đàm gọi lực lượng cảnh sát công khai đi sau lên xử phạt. Việc CSGT mặc sắc phục có mặt ngay tức thì, sẽ là hình thức để kẻ xấu không thể lợi dụng.

 

Cần phải nói rằng, việc tăng cường xử lý vi phạm là vô cùng cần thiết để tạo sự răn đe đối với hành vi vi phạm TTATGT. Việc tổ chức cho CSGT mặc thường phục sẽ khiến người dân vì sợ bị phạt bất ngờ mà tôn trọng pháp luật Giao thông đường bộ hơn.

 

Tình trạng người vi phạm “trốn” ngã tư, “trốn” chốt CSGT để khỏi bị xử phạt chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên, lực lượng chức năng nên chăng cũng cần có những hành động cần thiết để tránh suy nghĩ của nhiều người rằng CSGT cố tình chờ vi phạm rồi phạt chứ không chủ động ngăn ngừa hành vi vi phạm.