Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa đề xuất Chính phủ phương án xây dựng tuyến tàu điện một ray trên cao dọc tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam là Láng-Hòa Lạc kéo dài đến khu vực Nam Hồ Tây nhằm giảm ách tắc và tai nạn cho tuyến Quốc lộ 6.
Ý tưởng tàu một ray trên cao
Theo quy hoạch định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội thì Xuân Mai sẽ kết hợp với Hòa Lạc, Miếu Môn tạo thành chuỗi các đô thị, hình thành cực phát triển mới của thành phố nhằm giảm áp lực cho khu vực nội thành. Trong khi đó, tuyến giao thông chủ đạo nối Hà Nội với thị trấn Xuân Mai và các tỉnh miền núi phía Tây Bắc là trục Quốc lộ 6 chỉ có 2 làn xe nên hiện tượng ùn tắc thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm.
Hiện tại cũng chỉ có một tuyến xe buýt duy nhất nối Hà Đông-Xuân Mai với lưu lượng 30 phút/chuyến nên người tham gia giao thông chủ yếu bằng phương tiện cá nhân. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng tai nạn giao thông thường xuyên trên tuyến đường này.
Vì vậy, dự án tuyến tàu điện trên cao Hà Đông-Xuân Mai được xây dựng sẽ kết hợp với tuyến đường sắt nội thành Cát Linh-Hà Đông và cùng với các tuyến xe buýt hiện hữu hình thành nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh cho khu vực phía Tây Nam thành phố Hà Nội. Như vậy, thời gian di chuyển trên chặng đường 22km Hà Đông-Xuân Mai sẽ chỉ còn 25 phút và rất an toàn.
Từ ý tưởng rất thiết thực của đơn vị thành viên Vinaconex Xuân Mai, Tổng công ty Vinaconex đã chủ động đề xuất Chính phủ cho triển khai xây dựng tuyến tàu điện một ray trên cao dọc tuyến Láng-Hòa Lạc và tiếp tục kéo dài qua phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Văn Cao đến nút giao Hoàng Hoa Thám, kết nối khu vực Nam Hồ Tây.
Tuyến tàu một ray trên cao dài 38km này dự kiến bố trí chạy dọc theo dải phân cách và được kỳ vọng sẽ trở thành tuyến giao thông thuận lợi kết nối phía Tây Thủ đô với khu vực Nam Hồ Tây.
Giải pháp mới cho giao thông đô thị
Với ưu điểm là kết cấu đường dẫn, nhà ga nhỏ gọn, không chiếm nhiều không gian nên dự án có thể sử dụng chính dải phân cách giao thông hay vỉa hè phố để làm tuyến tàu, nhà ga.
Các toa tàu điện bánh lốp sẽ chạy trên đường ray làm bằng dầm bêtông dự ứng lực với vận tốc trung bình khoảng 60 đến 70 km/giờ, không gây tiếng ồn và dễ dàng kết nối với các phương tiện giao thông hiện có.
Đặc biệt, do tuyến đường có bán kính đổi hướng nhỏ nên có thể bố trí tuyến linh hoạt theo hiện trạng giao thông thành phố; có thể luồn lách quanh các toà nhà hoặc vươn lên cầu vượt hoặc hạ ngầm.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các tuyến đường đã hoàn thành thì việc “chen” thêm một loại hình giao thông mới với tuyến riêng thực sự là một thách thức lớn nhất là tại đô thị lớn như Hà Nội. Tuy nhiên, tuyến tàu một ray trên cao lại đưa ra một lời giải khá hợp lý khi thời gian thi công xây dựng chỉ khoảng 2 năm cho 38km đường và ít ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông hiện hữu trong quá trình thi công.
Đặc biệt, mặt bằng thi công không lớn nên sẽ giảm thiểu giải phóng mặt bằng - yếu tố khó khăn nhất khi triển khai các dự án giao thông hiện nay.
Bài toán đầu tư
Theo tính toán của Vinaconex Xuân Mai - đơn vị thành viên được Tổng công ty Vinaconex giao lập kế hoạch lập phương án này, hiện suất đầu tư cho tàu một ray trên cao vào khoảng 8 triệu USD cho một km đường. Nếu đem so với mức đầu tư khoảng 40-50 triệu USD cho mỗi km đường sắt nội đô thì sẽ thấy chi phí cho tàu điện một ray trên cao thấp hơn nhiều (chỉ bằng 1/5 thậm chí ít hơn).
Qua nghiên cứu, khảo sát, Vinaconex đã dựa trên công nghệ tàu một ray của Urbanaut (Mỹ) để đưa xây dựng dự toán đầu tư.
Theo ước tính ban đầu, 38km tàu một ray trên cao tuyến Láng Hòa Lạc-Nam Hồ Tây sẽ có tổng chi phí khoảng 306 triệu USD với bình quân hơn 8 triệu USD/km đường. Cùng đó, tuyến Hà Đông-Xuân Mai với chiều dài 22km sẽ mất gần 150 triệu USD, khoảng 6,82 triệu USD/km đường.
Không chỉ lợi thế về suất đầu tư thấp, tàu một ray trên cao có thể điều chỉnh công suất phục vụ đáp ứng nhu cầu nhu cầu của tuỳ từng tuyến và lượng khách khác nhau do dễ dàng tách hoặc nối các toa riêng biệt.