Một số điểm chưa hợp lý khi thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ

07:42, 14/07/2010

Sau gần 2 tháng triển khai thực hiện Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (chính thức có hiệu lực từ ngày 20-5-2010) trên địa bàn, thực tế đã nảy sinh một số điểm chưa hợp lý. Điều đó đang tạo ra những khó khăn nhất định trong quá trình xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng.

 

Trước tiên phải khẳng định, việc triển khai thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ những ngày qua trên địa bàn tỉnh là rất nghiêm túc và đạt được những kết quả khả quan. Cơ bản những quy định mới, những chế tài xử lý vi phạm trong Nghị định đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là với các đối tượng thường xuyên tham gia giao thông. Nhận thức cũng như ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Chuyển biến rõ nét nhất  là ở các đối tượng điều khiển phương tiện vận tải lớn. Tuy vậy, trong quá trình triển khai đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp. Phản ánh trực tiếp từ các chiến sỹ cảnh sát giao thông, các đơn vị đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị những ngày qua đã chứng minh điều đó.

 

Ngay đầu tháng 7, UBND T.P Thái Nguyên đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai trường hợp cố tình lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trong đô thị để kinh doanh xe máy với mức phạt 20 triệu đồng/trường hợp. Đó là trường hợp của ông Lưu Khắc Tiệp, tổ 1 và ông Nguyễn Xuân Tuyến, tổ 2, phường Quang Trung. Hai trường hợp này đã vi phạm điểm a, khoản 5, điều 15 Nghị định 34 của Chính phủ. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thăng Long, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông T.P Thái Nguyên cho biết: Đây là hai trường hợp đầu tiên Thành phố tiến hành xử lý theo Nghị định 34. Do cố tình vi phạm và vi phạm nhiều lần nên buộc cơ quan chức năng phải xử lý ở mức cao nhất.

 

Theo phân tích chuyên môn ở đây đang có hai điểm chưa phù hợp. Thứ nhất, Nghị định quy định, nếu vi phạm với các lỗi tương tự (vi phạm hành lang an toàn giao thông) ở trong đô thị thì mức xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng/trường hợp, còn ngoài đô thị mức phạt chỉ từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Hiện nay, việc phân định ranh giới trong đô thị và ngoài đô thị trên địa bàn tỉnh chưa thực sự rõ ràng nên để xử lý chính xác sẽ là rất khó. Thành phố đang tạm tính, những phường trung tâm là khu vực trong đô thị và những phường, xã vùng ven được gọi là ngoài đô thị. Tỉnh ta chỉ mới cắm biển báo ranh giới trong và ngoài đô thị ở một số trục đường chính nên việc phân định xử lý cũng chưa thật sự đầy đủ. Thứ hai, đối với những trường hợp bán hàng rong, đặt biển quảng cáo, bán hàng nước trên vỉa hè... đều được coi là vi phạm hành lang an toàn giao thông và thực tế với khung hình phạt này sẽ không khả thi bởi các đối tượng vi phạm không đủ năng lực thực hiện mức phạt. Những ngày qua, với các trường hợp này, Thành phổ chủ yếu nhắc nhở và tạm giữ tang vật vi phạm.

 

Trong Nghị định cũng quy định trẻ em dưới 6 tuổi không phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Với quy định này, việc lực lượng cảnh sát giao thông có thể xác định đúng lứa tuổi của người tham gia giao thông để xử lý vi phạm là rất khó, nên việc kiểm soát và xử lý vi phạm sẽ không triệt để. Do đó, thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn gần như chưa tiến hành xử lý trường hợp tương tự nào.  Nghị định 34 của Chính phủ cũng quy định việc xử lý đối với người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói chung. Cụ thể là những lỗi như đi bộ dưới lòng đường, mang vác đồ vật công kềnh, đi không đúng phần đường dành cho người đi bộ... “Đây là những trường hợp rất khó xử lý nhưng lại thường hay vi phạm. Xử lý người đi bộ vi phạm sẽ khó bởi không có giấy tờ hay phương tiện để tạm giữ thực hiện việc cưỡng chế đảm bảo xử phạt theo quy định”. Thượng tá Hoàng Văn Ninh, Quyền Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phân tích. Theo ông, trên thế giới chỉ có một số nước phát triển mới áp dụng và thực hiện được quy định này. Một điểm nữa trong Nghị định cũng chưa thực sự hợp lý khi triển khai thực tế, đó là quy định xử lý: Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe với trường hợp giấy phép lái xe hết hạn, không phù hợp. Thực tế cho thấy, nếu tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày đối với giấy phép đã hết hạn hoặc không phù hợp thì cũng chẳng có tác dụng gì. Đối với những trường hợp này nên xử lý với hành vi không có giấy phép lái xe là chính xác nhất.

 

Trên đây chỉ là một số điểm chưa phù hợp với thực tế mà lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông khi thực hiện tại cơ sở đã phát hiện ra. Những điểm chưa phù hợp này đã được tổng hợp gửi lên Tổng Cục Quản lý hành chính (Bộ Công an) để có ý kiến cụ thể. Theo đó, Tổng Cục đã chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt tiến hành hướng dẫn các địa phương triển khai khắc phục những vướng mắc này trong thời gian sớm nhất. Nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ một hướng dẫn nào gửi về cơ sở để thực hiện. Trong quá trình chờ hướng dẫn xử lý đối với những trường hợp trên, lực lượng Cảnh sát giao thông-Công an tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý theo chuyên đề đối với những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ phổ biến như: Người điều khiển phương tiện giao thông không đội mũ bảo hiểm; các phương tiện vận tải hành khách chạy vòng vo gây ùn tắc giao thông; các phương tiện chở quá khổ, quá tải làm hư hại công trình giao thông...