Quan trọng là chấp hành pháp luật

17:14, 21/07/2010

Các lái xe đầu kéo thiếu bằng FC sẽ chưa bị xử phạt kể từ ngày 15/7/2010 đến hết 30/6/2011, tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải và lái xe cần đề cao ý thức chấp hành pháp luật, bởi đây chính là hành động làm tăng uy tín doanh nghiệp

 

Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi năm 2008 quy định cụ thể, các lái xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơmoóc (gọi tắt là lái xe ô tô đầu kéo) phải chuyển giấy phép lái xe (GPLX) các hạng C, D, E sang GPLX hạng FC. Thời gian ban đầu dự kiến áp dụng là ngày 1/7/2009 nhưng sau đó, do nhu cầu chuyển đổi bằng FC với số lượng lớn nên đã phải lùi thời hạn thêm 1 năm, tức ngày 1/7/2010.

 

Theo ước tính, cả nước hiện có khoảng 10.000 – 11.000 tài xế ô tô đầu kéo, nhưng hiện mới chỉ có 40% có bằng FC. Trong đó, TPHCM là địa phương có lượng xe đầu kéo lớn nhất cả nước với khoảng 13.000 xe, nhưng cận ngày áp dụng Luật mới chỉ có 30% tài xế đã sát hạch GPXL hạng FC. Do vậy, khi giờ “G” đã đến, các Hiệp hội vận tải như ngồi trên đống lửa vì số lượng lớn lái xe chưa có bằng FC, đồng nghĩa với việc hàng hoá bị “đắp chiếu”, ứ đọng.

 

Doanh nghiệp nói gì?

 

Hải Phòng là địa phương hiện có khoảng 6.000 xe đầu kéo và 7.000 tài xế các xe loại này, trong khi số người có bằng FC là 2.000. Điều này có nghĩa, hàng ngàn lái xe sẽ không được cầm lái vì không đủ điều kiện điều khiển xe trên đường.

 

Ông Phạm Trọng Thịnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hải Phòng cho biết: “Trong những ngày đầu tháng 7 này, thiệt hại về vận tải lên tới hàng trăm tỷ đồng; hình ảnh xuất nhập khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng. Cuộc sống của người lao động ngành vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp đang phải trả tiền thất nghiệp cho công nhân”.

 

Tương tự Hải Phòng, theo số liệu của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, tại 50 doanh nghiệp vận tải lớn với 1.834 xe đầu kéo, chỉ có 537 tài xế đã có bằng lái hạng FC/tổng số 1.794 người, đạt 30%. Rất nhiều doanh nghiệp 100% tài xế chưa có bằng FC.

 

 Giải thích cho sự chậm trễ của mình, các Hiệp hội vận tải đã viện ra khá nhiều lý do như: Văn bản hướng dẫn của Bộ đến muộn, triển khai không kịp; các trung tâm sát hạch GPLX hạng FC chưa đáp ứng yêu cầu; việc quy định lái xe phải có thâm niên 2 năm trở lên mới được đổi bằng FC đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, bởi số lượng lái xe đầu kéo lâu năm tại các doanh nghiệp không nhiều, lại hay thay đổi chỗ làm.

 

Theo ông Phạm Trọng Thịnh, với 4 trung tâm sát hạch lái xe, trong vòng 1 năm qua, thành phố Hải Phòng chỉ cấp đổi được cho 1.000 tài xế, cho thấy năng lực đào tạo vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, phần lớn những đối tượng chưa có bằng FC là do chưa đủ thâm niên và bị các trung tâm sát hạch từ chối.

 

Một vấn đề cũng được các doanh nghiệp vận tải quan tâm là theo quy định, từ ngày 1/7/2010 áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các trường hợp sử dụng GPLX hạng C, D, E để điều khiển xe ôtô đầu kéo theo Nghị định 34 của Chính phủ. Tuy vậy, trước thời điểm này, ngày 28/5/2010, Bộ GTVT có Văn bản số 3463 cho phép lùi thời hạn bắt buộc các lái xe hạng C, D, E chuyển sang loại FC chậm nhất tới ngày 31/12/2010. Điều này dẫn đến tình trạng, CSGT nơi thì xử phạt, nơi thì chưa áp dụng; vô hình chung ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

 

Nhiều lái xe đi qua địa phận tỉnh Quảng Ninh bị xử phạt cho biết, trong khi GPLX hạng C vẫn còn hiệu lực nhưng lại không sử dụng được, nên họ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Trung tá Lê Đức Hiền, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh giải thích: “GPLX hạng FC là cấp cho lái xe đầu kéo, cho nên đã là luật thì phải thi hành. Còn GPLX hạng C còn giá trị sử dụng nhưng không phù hợp là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau”!

 

Doanh nghiệp vận tải chấp hành pháp luật đến đâu?

 

Theo tin từ Tổng cục Đường bộ, thời gian qua, các Sở GTVT đã tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp khá nhiều GPLX hạng FC. Tuy nhiên, số lượng GPLX được cấp còn thấp so với yêu cầu thực tế. Nguyên nhân do nhiều lái xe đã có tên trong danh sách tham gia học và thi nhưng không đến giam gia, số khác thì có tâm lý hy vọng sẽ có sự thay đổi chính sách hoặc được kéo dài thời gian gia hạn nên chưa đăng ký học.

 

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ: “Các doanh nghiệp vận tải đã không nghiêm túc trong việc thực hiện chuyển đổi bằng. Trên thực tế, chúng tôi đã chuẩn bị điều kiện đầy đủ để các doanh nghiệp vận tải có thể chuyển đổi bằng, và phía doanh nghiệp cũng đã có thời gian 1 năm để chuẩn bị; nhưng họ không chấp hành, chấp hành nửa vời hoặc viện nhiều lý do khác nhau để giãn thời gian, chây ỳ. Ngay với TPHCM, số lái xe đăng ký thi là 2.200 người, nay mới thi có 1.500 người thi, còn 700 người chưa đến thi”.

 

Ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định, Bộ đã có các văn bản hướng dẫn 37 cơ sở đào tạo lái xe cả nước ưu tiên cho việc đào tạo chuyển đổi bằng FC; đồng thời tuyên truyền cho các doanh nghiệp vận tải, lái xe hiểu biết pháp luật. Việc thực thi pháp luật là trách nhiệm mỗi công dân và doanh nghiệp, do đó khi thực hiện không đầy đủ, chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp và lái xe.

 

Chúng tôi đến Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Việt Nhật số 2 (Công ty Logitem 2)- một đơn làm dịch vụ vận tải hàng hoá cho các khu công nghiệp tại Hà Nội, để tìm hiểu về vấn đề chuyển đổi bằng lái xe FC. Trong khi các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn khi phần lớn lái xe đầu kéo bị “treo tay lái”, thì hoạt động của Logitem 2 vẫn diễn ra bình thường, 90 lái xe đầu kéo của Công ty đã được chuyển đổi bằng FC. 

 

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Trưởng phòng Tổng hợp Hành chính Logitem 2 cho biết, việc đào tạo nâng cấp bằng FC đã được Công ty rốt ráo triển khai từ hơn 1 năm nay nên không bị bất ngờ. Điều quan trọng là việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật phải được các công ty vận tải triển khai sâu sát tới từng lái xe, bảo đảo chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ và các quy định về an toàn giao thông.

 

Giải pháp tháo gỡ

 

Ngày 12/7/2010, Bộ GTVT đã có Công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT và cơ quan liên quan về việc tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng FC cho người đang điều khiển ô tô đầu kéo.

 

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch xây dựng lịch học, sát hạch và thông báo công khai cho người có nhu cầu lấy GPLX hạng FC. Riêng với Hà Nội và TPHCM cần phối hợp với chương trình VOV Giao thông (Đài TNVN) để thông báo tới người điều khiển phương tiện. Về thời gian cấp bằng, muộn nhất là 3 ngày sau khi sát hạch, các cơ quan chức năng phải trả GPLX hạng FC cho người thi đạt.

 

Ngày 13/7/2010, Văn phòng Chính phủ có Công văn hỏa tốc số 1170/TTg-KTN do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký, gửi các Bộ GTVT, Tài chính, Công an, Công Thương và Công ty Tân Cảng Sài Gòn về việc xử lý ách tắc hàng hóa do quy định về bằng lái FC. 

 

Ngày 14/7/2010, Hiệp hội Vận tải hàng hoá TPHCM cho biết, hầu hết số lượng xe ôtô đầu kéo trên địa bàn thành phố đã hoạt động trở lại bình thường, góp phần giải toả hàng hoá bị ùn ứ tại các cảng, kho bãi trong những ngày vừa qua. Hiệp hội Vận tải hàng hoá TPHCM cũng đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải khẩn trương tạo điều kiện và hỗ trợ các tài xế đăng ký đào tạo, sát hạch lấy bằng lái hạng FC.

 

Về nguyên tắc, Thủ tướng đồng ý gia hạn việc xử phạt theo Nghị định số 34/3010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 đối với lái xe điều khiển đầu kéo không có GPLX hạng FC đến ngày 30/6/2011.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc dạy, sát hạch GPLX hạng FC tới thời hạn này.