Cần nhiều biện pháp đồng bộ để giảm thiểu tai nạn giao thông

08:41, 13/08/2010

Trong 6 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 513 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 115 người, bị thương 601 người. Như vậy, nếu tính bình quân mỗi tháng Thái Nguyên có 19 người chết và 100 người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT).

 

Một điều đáng buồn nữa là trong số hơn 500 vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nạn nhân là thanh niên từ 18-27 tuổi chiếm đến 47,4%. Hầu hết họ là học sinh, sinh viên hoặc những lao động trẻ, mặc dù có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp xúc với những kiến thức về an toàn giao thông (ATGT) nhưng lại không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông, để rồi cánh cửa tương lai đã vội khép lại khi tuổi đời còn quá trẻ.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Việt Hùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Nếu đem so sánh với các loại bệnh tật thì có lẽ không có loại bệnh nào lại cướp đi sinh mạng và sức khoẻ của con người nhanh và khốc liệt như TNGT. Các đối tượng là thanh niên gây tai nạn chiếm tỷ lệ cao, nhưng việc tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức cho họ thường gặp khó khăn vì nhiều trường hợp thanh niên biết sai luật nhưng vẫn cố tình vi phạm…

 

Qua phân tích tình hình và đặc điểm của các vụ TNGT trên địa bàn cho thấy, số vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến quốc lộ luôn chiếm một tỷ lệ lớn (trên 50%), trong đó riêng trên Quốc lộ 3 chiếm đến gần 60% tổng số vụ TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh. Có thể lý giải nguyên nhân khiến các vụ tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 3 không giảm là do tuyến đường này hẹp, chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp, trong khi lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng. Nhưng với tuyến Quốc lộ 37 chạy qua địa bàn huyện Phú Bình mặc dù vừa được đầu tư cải tạo nhưng số vụ TNGT xảy ra trên tuyến đường này trong 6 tháng đầu năm nay vẫn không những không giảm mà còn tăng đột biến với 20 vụ (chiếm gần 80% tổng số vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn huyện Phú Bình), làm chết 11 người, bị thương 42 người. Mặt khác, hiện nay các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư bê tông hóa nên việc đi lại của người dân thuận tiện hơn, nhưng số vụ TNGT trên các tuyến đường này lại tăng cao hơn. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 66 vụ tai nạn trên các tuyến giao thông nông thôn ở tỉnh ta, chiếm 12,8% tổng số vụ TNGT, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái…

 

Để giảm thiểu TNGT, vấn đề cơ bản nhất đặt ra vẫn là cần phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông để họ tự thấy được trách nhiệm của mình trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, góp phần bảo vệ cho chính mình và cho cả những người khác. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận các hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ hiện nay nhiều khi vẫn còn mang tính hình thức, chưa hấp dẫn. Ông Trương Văn Phụng, Phó Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết: Phương tiện gây tai nạn chủ yếu là xe máy, về đối tượng thì hầu hết là thanh niên và nông dân. Về nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn, ngoài ý thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn yếu, cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp, số lượng các phương tiện giao thông tăng nhanh… thì cũng có nguyên nhân là công tác tuyên truyền ở cơ sở chưa thực sự hiệu quả, chưa làm thay đổi được nhận thức của nhiều người về vấn đề này.

 

Qua những phân tích, đánh giá trên, từ nay đến cuối năm tỉnh ta sẽ tăng cường thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng số vụ TNGT. Theo đó, trước hết là cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng hướng mạnh về cơ sở và nhằm vào các đối tượng là thanh niên, nông dân. Cùng với đó là xiết chặt việc thông báo các vi phạm về trật tự ATGT của các đối tượng về cơ quan, nhà trường, địa phương và yêu cầu các đơn vị khi nhận được thông báo phải có hình thức xử lý, sau đó có báo cáo cụ thể lên cấp trên và cơ quan có thẩm quyền. Đưa công tác bảo đảm trật tự ATGT vào bình xét thi đua ở các địa phương, đơn vị với những hình thức phù hợp để các đối tượng vi phạm nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình, từ đó sửa chữa, khắc phục ngay. Các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm; tăng cường mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm với mức phạt cao nhất trong khung cho phép để tăng tính răn đe, nhất là đối với những người điều khiển mô tô, xe máy có hành vi vi phạm trật tự ATGT. Tăng cường hoạt động của lực lượng công an xã trong việc tham gia giữ gìn trật tự ATGT trên địa bàn được phân công; duy trì có hiệu quả 6 đội tự quản về ATGT ở các địa phương, tiếp tục nhân rộng mô hình các đội tự quản ở các phường, xã trong toàn tỉnh. Tăng cường kinh phí hỗ trợ để các tổ chức hội, đoàn thể tham gia thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đến hội viên và nhân dân bằng những hình thức thích hợp, hiệu quả. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm tỉnh sẽ tập trung rà soát 43 điểm đen về TNGT trên địa bàn để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời...