Phát động tháng an toàn giao thông

15:05, 31/08/2010

Đồng thời với việc phát động tháng an toàn giao thông, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và WHO cũng thực hiện công bố chương trình phòng chống rượu bia và lái xe tại Việt Nam

  

Sáng 31/8, tại TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đã diễn ra lễ phát động tháng an toàn giao thông quốc gia năm 2010 với chủ đề “Văn hoá giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng” đồng thời chính thức khởi động thực hiện dự án “An toàn giao thông RS 10 – VN do Quỹ Bloomberg” tài trợ trên địa bàn tỉnh.

 

Chương trình này là một phần của dự án toàn cầu gồm 10 quốc gia có tai nạn giao thông cao, trong đó có Việt Nam. Thực hiện chương trình gồm các đối tác quốc tế như: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội An toàn giao thông toàn cầu (GRSP), Đại học Johns Hopkins cùng phối hợp với các cơ quan liên quan tại Trung ương và cấp tỉnh dưới dự điều phối của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia.

 

Theo ông Graham Harrison – đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam thì rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ tử vong do tại nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép là 34%.

 

Bởi vậy, ông Graham cho rằng, việc cưỡng chế là công tác cực kỳ quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là đối với những người điều khiển phương tiện vi phạm truy định của pháp luật về nồng độ cồn.

 

Ông  Nguyễn Trọng Thái –Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: Luật an toàn giao thông 2008 đã quy định giảm nồng độ cồn cho phép trong máu của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy từ 80mg/100ml máu xuống còn 50mg/100ml máu và bằng “không” đối với lái xe ô tô. Nghị định 34/2010/NĐCP quy định mức phạt tăng cao đối với vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện so với trước đây

 

Giai đoạn đầu được thực hiện tại hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình đến hết năm 2011. Trên cơ sở kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông đường bộ. Các đối tác trong và ngoài nước sẽ cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm giảm tình trạng uống rượu, bia và lái xe tại địa bàn can thiệp.

 

Nội dung chính của chương trình gồm: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về quy định của pháp luật về nông độ cồn đối với người tham gia giao thông; tập huấn tăng cường năng lực và trang bị máy đo nồng độ cồn cho lực lượng cảnh sát giao thông; đặc biệt các chiến dịch cưỡng chế xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nồng độ cồn sẽ được thực hiện mạnh mẽ trên các tuyến đường thuộc TP Phủ Lý và huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam), TP Ninh Bình và Thị xã Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) trong thời gian thực hiện chương trình.

 

Cũng trong sáng nay, tại Ninh Bình, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cùng với WHO cũng thực hiện phát động tháng An toàn giao thông và công bố dự án RS 10 – VN./.