Thái Nguyên thực hiện tốt Quyết định 977

10:06, 17/08/2010

Trong những năm gần đây, số doanh nghiệp sở hữu và tham gia kinh doanh vận tải xe đầu kéo sơ mi rơ moóc trên địa bàn Thái Nguyên không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, cũng giống như các doanh nghiệp vận tải khác trong cả nước, nhiều lái xe đầu kéo sơ mi rơ moóc trong các doanh nghiệp của tỉnh chưa có giấy phép lái xe hạng FC và đứng trước nguy cơ bị xử phạt theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP.

 

Ngành Giao thông- Vận tải đã làm gì để hoàn thành Đề án Tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng FC theo Quyết định 977/QĐ-BGTVT?

 

Đề án Tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng FC của Cục Đường bộ Việt Nam đã được Bộ Trưởng Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) phê duyệt tại Quyết định số 977/QĐ-BGTVT ngày 15-4-2009. Theo đó, đến hết ngày 1-7-2010, các cơ sở đào tạo, các Sở Giao thông- Vận tải trong toàn quốc phải hoàn thành việc tổ chức, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng FC cho mọi người có giấy phép lái xe hạng C,D,E trong phạm vi cả nước. Nhưng, do nhiều nguyên nhân đến thời điểm này, cả nước mới có khoảng trên 50% lái xe được cấp bằng FC. Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có phương tiện xe ô tô đầu kéo sơ mi rơ moóc phát triển sản xuất kinh doanh và giúp cho số lái xe có thêm thời gian chuyển đổi, ngày 13-7-2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ký Văn bản số 1170/TTg- KTN gửi Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đồng ý gia hạn việc xử phạt theo Nghị định 34/2010/NĐ- CP đối với các lái xe chưa có GPLX hạng FC đến hết ngày 30-6-2011…

 

Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc tổ chức thực hiện Đề án trên, ông Nguyễn Tiến Vinh, Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên cho biết: Là một trong những tỉnh có nhiều doanh nghiệp sở hữu và tham gia kinh doanh vận tải xe đầu kéo sơ mi rơ moóc, nên ngay từ khi Quyết định 977/QĐ-BGTVT có hiệu lực, Sở GTVT đã triển khai tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và các doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo Trường Trung cấp Nghề số I, Bộ Quốc phòng đầu tư trên 1 tỷ đồng mua 3 xe đầu kéo sơ mi rơ moóc và sửa chữa sân tập lái; cử 8 sát hạch viên và giáo viên đi tập huấn dạy lái, tập huấn sát hạch và cấp GPLX hạng FC do Cục Đường bộ Việt nam tổ chức. Cho đến cuối tháng 7-2009, Thái Nguyên đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm chuẩn và công nhận có đủ điều kiện tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng FC...

 

Theo ông Lê Hải Ninh, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT, hiện tỉnh ta có trên 20 doanh nghiệp và hộ cá thể kinh doanh xe đầu kéo sơ mi rơ moóc với trên 200 đầu phương tiện, trong đó có một số doanh nghiệp sở hữu nhiều như: Công ty CP Thương mại Thái Hưng; Công ty CP Vận tải, Xây dựng và Thương mại Hoàng Minh; Hợp tác xã Công nghiệp Toàn Diện... Như vậy, nếu tính bình quân mỗi phương tiện cần 2 người điều khiển (lái chính và phụ lái) thì có khoảng 450 người trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng GPLX hạng FC. Để thực hiện tốt Đề án trên cũng như một số văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam, ngay trong tháng 7- 2009, sau khi triển khai thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời gửi công văn đến các doanh nghiệp, hộ cá thể có phương tiện xe đầu kéo sơ mi rơ moóc cử người tham gia đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng FC, Phòng Quản lý vận tải còn phối hợp và chỉ đạo Trường Trung cấp nghề số I tổ chức ngay 4 khoá đào tạo và cấp GPLX hạng FC cho trên 100 người. Kết quả sau một năm thực hiện Quyết định số 977/QĐ-BGTVT, toàn tỉnh đã đào tạo, cấp GPLX hạng FC cho 181 người. Nếu tính 167 người đã có GPLX hạng FC từ trước và gần 50 người đăng ký hồ sơ học trong năm 2010 thì chắc chắn đến ngày 30-6-2011, tỉnh ta sẽ đạt 100% số người có GPLX hạng FC… Cũng theo ông Linh, với cơ sở vật chất và nguồn lực con người hiện có, ngoài chuyện thực hiện tốt Đề án trên, tỉnh sẵn sàng hỗ trợ đào tạo cho các địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn và những địa phương chưa có cơ sở đào tạo, sát hạch hạng FC.

 

Có thể nói, trong khi 37 cơ sở đào tạo, sát hạch trong cả nước đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp gấp rút chạy đua với thời gian để tổ chức thực hiện Đề án trên thì tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng FC theo đúng tiến độ quy định. Những nỗ lực của Ngành GTVT và các cơ sở đào tạo lái xe trong tỉnh đã góp phần tích cực, hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh nhà.