Đường sắt ngập sâu, hàng nghìn khách mắc kẹt

09:00, 06/10/2010

Ngày 5/10, tuyến đường sắt qua miền Trung đã tê liệt do ảnh hưởng mưa lũ, nhiều đoạn ray đã bị ngập sâu một mét. 1.100 hành khách đang bị mắc kẹt tại các ga từ Đồng Hới đến Huế.

  

Trao đổi với VnExpress, ông Phan Huy Giang, Phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách Hà Nội cho biết, mặc dù mưa đã giảm song vẫn còn một điểm tại ga Lệ Sơn, Quảng Bình bị ngập hơn một mét.

 

Từ sáng 5/10 ngành đường sắt đã thuê xe khách của tỉnh Quảng Bình và Nghệ An để chuyên chở khoảng 1.000 khách ra khỏi khu vực mưa lũ bằng đường bộ. Tuy nhiên, nước dâng cao cũng làm tuyến quốc lộ 1A bị nhấn chìm tại 2 điểm gần ga Hoàn Lão và cầu Gianh thuộc Quảng Bình.

 

Đến chiều 5/10 khoảng 1.100 hành khách vẫn đang bị kẹt các các ga rải rác từ Quảng Bình đến Huế. Theo ông Giang, hành khách được trợ cấp thức ăn và nước uống đầy đủ trong ngày tại các nhà ga trong khi chờ nước rút.

  

"Chúng tôi hy vọng đêm nay sẽ thông đường tàu, lực lượng ứng trực đã chuẩn bị đá và phương tiện để gia cố đường sắt, đảm bảo an toàn", ông Giang nói.

 

Ga Hà Nội cũng đã thông báo đêm 5/10 bãi bỏ các chuyến tàu SE5 (chạy lúc 12h25), HN1 (chạy lúc 20h10) và SE3 (chạy lúc 23h). Riêng tàu SE1 sẽ xuất phát tại ga Hà Nội lúc 23h (chậm hơn so với giờ quy định là 4 giờ). Các chuyến TN1 và NA1 vẫn chạy theo đúng giờ quy định.

 

Ngày mai (6/10), ngành đường sắt bãi bỏ tàu SE7 xuất phát từ Hà Nội lúc 6h15, tàu TN1 (10h05), tàu SE1 (19h), SE3 (23h). Tàu SE5 xuất phát tại Hà Nội lúc 23h, chậm hơn so với giờ quy định 7h15.

 

Đại diện ga Hà Nội cũng cho biết, hành khách đi các chuyến tàu bị bãi bỏ cần đến ga trước giờ tàu chạy để trả lại vé hoặc đổi các chuyến tàu khác. Nhà ga sẽ hoàn trả 100% tiền vé.

 

Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ khiến nhiều hành khách và phương tiện bị kẹt tại miền Trung. Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Quảng Bình có 7 đoạn đường đang bị ngập sâu từ 0,2 đến 0,6 m, riêng thành phố Đồng Hới có đoạn bị ngập đến 1,1 m gây ùn tắc.

 

Nhiều tuyến đường tại tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cũng bị hư hỏng nghiêm trọng, tuy nhiên, nước trên địa bàn này đã rút nên hành khách có thể đi lại bình thường.

 

 Tuyến đường Hồ Chí Minh có khoảng 20 điểm bị sạt lở. Tại nhánh tây khu vực Quảng Bình đã bị sạt lở taluy với khối lượng khoảng 16.000 m3 đất đá, khiến giao thông bị ách tắc. Tại khu vực Thừa Thiên - Huế, một số điểm cũng bị sạt lở taluy âm, các rọ đá được gia cố đều bị trôi.

 

Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã cử đoàn công tác do ông Ngô Quang Đảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN dẫn đầu vào hiện trường để chỉ đạo Khu quản lý đường bộ IV, các Sở Giao thông và các đơn vị quản lý đường bộ tập trung lực lượng dọn đất đá sạt lở tại mái taluy; tổ chức lực lượng trực 24/24h tại những vị trí nguy hiểm và tổ chức điều hành, phân luồng đảm bảo giao thông.

 

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có công điện chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN và các Sở Giao thông từ Thanh Hoá đến Bình Thuận tổ chức điều hành giao thông đảm bảo an toàn, thông suốt, đồng thời thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng những vị trí sụt trượt gây tắc đường.