“Hố tử thần” ở T.P HCM như nấm sau mưa

07:36, 14/10/2010

Khi nỗi hoang mang của người dân trước tình trạng liên tiếp xuất hiện “hố tử thần” chưa lắng xuống, chiều 13/10, mặt đường Nguyễn Văn Đậu lại bỗng nhiên sụp xuống tạo ra hố đen có đường kính 1m, khoét hàm ếch bên trong.

 

Theo những người dân sống trong khu vực, trước khi xảy ra sự cố, mặt đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh) không có dấu hiệu lún nứt gì. Rất may, thời điểm này ở tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc không có người lưu thông qua nên không có thương vong.

 

Có mặt ngay sau đó để san lấp, tái tạo mặt đường bị thủng sâu hơn 1m, những công nhân của Công ty cấp thoát nước thành phố cho rằng, nguyên nhân là do đường ống nước ngầm nối không kỹ dẫn đến rò rĩ nước. Lâu ngày đã làm đất bị xốp, xói lở dẫn đến tình trạng trên.

 

Đây cũng là nguyên do được lý giải trong vụ chiếc xe bồn rơi xuống "hố tử thần", đè lên chiếc Lexus trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức một ngày trước đó.

 

Cụ thể, ông Lê Ngọc Hùng, Phó giám đốc Khu quản lý đô thị giao thông số 2 cho biết trong hố sụp sâu 2m rộng gần 10m2 này có dòng nước chảy qua lưng cống. Ngay sau đó, Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức kiểm tra sửa chữa thì phát hiện tuyến ống nhánh thoát nước cho một nhà dân băng qua đường bị bể, xì nước làm xói lở tạo lỗ rỗng hàm ếch trong lòng đường gây nên sập mặt đường.

 

Chiếc xe container bị sập hố "tử thần" lật nhào.

 

Tương tự, trước đó, một chiếc ôtô con khi đang di chuyển qua giao lộ Phạm Văn Hai - Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận) cũng bỗng dưng sụt xuống "hố voi" có chiều rộng 4 m, sâu 2 m. Tài xế phải thuê xe cẩu đưa chiếc xe bị "nuốt" ra khỏi hiện trường. Nguyên nhân xuất hiện hố này được xác định là do đơn vị thi công chưa kịp đấu nối cống nhánh thu nước, khiến tình trạng cát đá bị sụt xuống tạo thành hố sâu.

 

Một nguyên nhân khác khiến thành phố xuất hiện rất nhiều "hố đen" chực chờ gây tai họa là việc tái lập mặt đường cẩu thả "hậu lô cốt".

 

Như chiều 14/9, khi đang lưu thông trên hẻm 386 đường Lê Văn Sỹ (quận 3), chiếc taxi 7 chỗ do tài xế Nguyễn Văn Tính (30 tuổi) điều khiển bất ngờ bị lọt xuống "hố địa ngục". Mặt đường bị "nuốt" gần hết với độ sâu hơn 2 m và rộng 20 m2 nằm khiến những người chứng kiến bàng hoàng. Chỗ chiếc xe taxi bị nạn chính là nơi hiện trường "lô cốt" vừa được san lấp.

 

Đơn vị thi công là nhà thầu Liên danh Dreco - Cienco5 sau đó đã thừa nhận lỗi do cống nước chính ở Lê Văn Sỹ nối với cống nhỏ trong hẻm 386 chưa làm xong vì vướng mắc dây cáp ngầm viễn thông. Trong thời gian ngừng làm, đơn vị thi công đã làm hố ga tạm và lấp cát bên trên, tráng đá nhựa để người dân lưu thông. Đầu nối tạm của cống nước bị rò rỉ làm xoáy cát ngầm, đồng thời trời mưa lớn nên đã làm sụp đường.

 

 Chỉ trước đó 1 ngày, một "hố tử thần" khác cũng xuất hiện tại đường Võ Văn Vân (huyện Bình Chánh, TP HCM). Khi chiếc xe tải do anh Nguyễn Thành Vũ (35 tuổi, quê Kiên Giang) điều khiển đang bon bon trên đường bất ngờ bị sụp xuống tạo thành hố sâu và rộng khiến chiếc xe bị lọt phần đầu xuống dưới. 3 tháng trước, nơi đây là "lô cốt", sau khi dỡ bỏ đơn vị thi công lấp cẩu thả, chỉ tráp nhựa đường lên đó nên gây ra sự cố.

 

“Mặt đường lúc trước tráng nhựa sạch đẹp. Rồi khi lô cốt mọc lên và được tháo đi, người ta tái lập mặt đường sơ sài, bên dưới gần như rỗng tuếch nên xe cộ có trọng lượng lớn đi qua rất dễ bị sụp”, một người dân sống trong khu vực bức xúc.

 

Trong những ngày đầu tháng 10, tình hình "hố tử thần" xuất hiện trên các tuyến đường ngày một dày đặc hơn. Ngày 7/10, mặt đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) xuất hiện một lỗ thủng kèm hàm ếch sâu 2 m. Một ngày sau, “hố tử thần” lại xuất hiện ở ngay chân cầu Kiệu (quận 1), theo hướng lưu thông từ đường Hai Bà Trưng về đường Phan Đình Phùng. Ngày 9/10, một hố khác lại xuất hiện trên đường Trần Nhật Duật (quận 1) khiến một chiếc xe tải mắc kẹt hơn 3h liền. Tiếp đến, ngày 10/10, sau cơn mưa lớn, một ôtô bị sụp bánh xuống hố giữa ngã tư Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng (quận 1)...

 

Trước khi xảy ra sụp hố, mặt đường thường xuất hiện lún nứt như thế này.

 

"Trước đây mỗi khi đưa con đi học, tôi thường phải đi rất sớm sợ tắc đường. Nhưng giờ những cái hố cứ bất ngờ hiện ra khiến tôi ám ảnh. Nhất là những hôm trời mưa, đường ngập nước, chẳng thấy gì mà tránh", chị Minh, một người dân sống cạnh "hố địa ngục" nơi chiếc taxi 7 chỗ đã bị "nuốt" chia sẻ.

 

Trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP HCM thừa nhận việc xuất hiện hàng loạt "hố đen" vừa qua là do nhà thầu không làm đúng quy trình thi công lu lèn từng lớp kết cấu nền đường hoàn chỉnh nên khi trời mưa, có nước thâm nhập, cát trôi xuống những lỗ bọng dưới nền đường gây ra lún sụp. Theo vị lãnh đạo này, nhà thầu phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Tuy nhiên, Phó chủ tịch hội Xây dựng TP HCM, kỹ sư Phan Phùng Sanh nhận định, tình trạng sụp hố như thời gian qua rõ ràng do công tác tái lập mặt đường không đảm bảo chất lượng. Để lắp đặt cống phải tiến hành đào đường sâu từ vài mét đến mười mấy mét. Nếu trong quá trình tái lập, nhà thầu lấp cát và lu lèn không chặt, không đều thì khi xe cộ lưu thông gây chấn động, cát bên dưới sẽ bị sàng lắc, để lại lỗ hổng và gây sụp lún.

 

Cũng theo ông Sanh, để xuất hiện các hố sâu ngoài phần lỗi cẩu thả của đơn vị thi công còn phải kể đến trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát, của chủ đầu tư và kể cả cơ quan chủ quản. "Người dân có thể kiện những cơ quan chủ quản thi công xây dựng thiếu an toàn, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng', ông Sanh nói