Thực hiện Thông tư 22: Hiệu quả phối hợp xử lý chưa cao

10:00, 29/10/2010

Thực hiện Nghị quyết số 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông và Thông tư số 22 của Bộ Công an hướng dẫn việc thông báo đến nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác của người có hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT), ngày 14-2-2008, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Công văn số 165 triển khai Thông tư số 22 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện thì hiệu quả của công tác này còn rất hạn chế.

 

Một ngày giữa tháng 10, chúng tôi cùng Ban ATGT tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đến kiểm tra công tác thực hiện Thông tư số 22 tại T.P Thái Nguyên - đây là đơn vị có số lượng thông báo vi phạm được gửi về cơ sở cao nhất tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Liên Minh, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin - Thể thao thành phố cho biết: Ngay khi nhận được thông báo của UBND tỉnh về thực hiện Thông tư số 22, Phòng đã tổ chức triển khai đến các xã, phường trên địa bàn. Theo đó, việc bình xét thi đua gia đình, xóm, phố văn hoá ở cơ sở có gắn với tiêu chí về ATGT. Cán bộ văn hóa các xã, phường có nhiệm vụ nhận thông báo vi phạm của bên công an chuyển sang để tiến hành rà soát việc bình xét gia đình văn hóa ở các xóm, tổ dân phố. Trên thực tế, có một số xã phường đã làm khá tốt công tác này, nhưng nhiều nơi do nể nang, sợ ảnh hưởng thành tích nên việc kiểm tra còn chưa chặt chẽ…

 

Cũng theo bà Minh: Việc gửi thông báo vi phạm do cơ quan công an chuyển về trên thực tế không yêu cầu cơ sở phải phản hồi việc xử lý vi phạm nên trong gần ba năm triển khai, thành phố có bao nhiêu hộ bị mất danh hiệu gia đình văn hóa do có người vi phạm trật tự ATGT chúng tôi cũng chưa thống kê. Tuy nhiên, trong Công văn số 165 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Thông tư nêu rõ: “UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông báo có trách nhiệm tổ chức kiểm điểm, giáo dục và xử lý người có hành vi vi phạm về ATGT và gửi kết quả kiểm điểm giáo dục, xử lý đó cho cơ quan ra thông báo để theo dõi tổng hợp”. Như vậy, có thể thấy, các đơn vị đều chỉ làm phần việc của mình, ngành Văn hóa thì đưa vào tiêu chí bình xét thi đua, ngành Công an chuyển thông báo vi phạm về cơ sở, còn việc phối hợp giữa các ngành liên quan để kiểm tra, giám sát thực hiện ở cơ sở như thế nào thì lại bị bỏ ngỏ! Chính vì vậy mà hiệu quả của các tờ thông báo vi phạm bị giảm đi, việc thực hiện Thông tư này cũng vì đó mà thiếu đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

 

Để tìm hiểu rõ thêm công tác này, chúng tôi đến phường Gia Sàng, một đơn vị được xếp vào tốp làm tốt công tác phối hợp xử lý khi có thông báo vi phạm trật tự ATGT chuyển về cơ sở. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đinh Công Hoàng, Trưởng Công an phường cho biết: Sau khi nhận được thông báo vi phạm của các đơn vị chuyển về, Công an phường tiến hành xác minh rà soát đối tượng. Sau khi xác định được đúng đối tượng ở trên địa bàn phường, cuối năm chúng tôi chuyển thông báo này cho tổ trưởng dân phố một bản và bộ phận văn hóa phường một bản. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp thông báo vi phạm chuyển về nhưng tên đối tượng và địa chỉ không đúng. Đối tượng đó không phải ở địa bàn phường nên xác minh mất nhiều thời gian. Tính từ đầu năm đến nay, phường có 21 trường hợp vi phạm trật tự ATGT có thông báo gửi về là công dân của phường, trong khi theo con số thông kế của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh là 40 trường hợp. Như vậy, có đến 50% số đối tượng khi bị lập biên bản vi phạm đã khai không đúng tên, địa chỉ.

 

Đến thực tế tại Tổ dân phố số 1, phường Gia Sàng đơn vị có 2 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đã gửi thông báo về trong năm nay, ông Đỗ Chí Phong, Tổ trưởng Tổ dân phố cho biết: Vào khoảng tháng 10 hàng năm, trước đợt bình xét thi đua gia đình văn hoá là công an phường chuyển các thông báo vi phạm về trật tự ATGT về tổ. Khi nhận được thông báo vi phạm, tổ dân phố tổ chức họp kiểm điểm, nhắc nhở đối tượng vi phạm. Trong 3 năm (2007-2009) có 8 trường hợp vi phạm đều không được bình xét gia đình văn hoá. Tuy nhiên, nhiều truờng hợp vi phạm trật tự ATGT đầu năm nhưng mãi tận cuối năm mới có thông báo của cơ quan công an chuyển về, nên dù có đưa ra kiểm điểm nhắc nhở tại tổ dân phố thì tác dụng tuyên truyền cũng giảm sút. Do vậy, chúng tôi đề nghị, các cơ quan chức năng nên chuyển ngay thông báo người vi phạm về cơ sở để nâng cao tính răn đe và có tác dụng giáo dục tốt hơn.

 

Rời phường Gia Sàng, chúng tôi đến phường Hoàng Văn Thụ, một phường trung tâm T.P Thái Nguyên và cũng là đơn vị có số lượng thông báo vi phạm trật tự ATGT khá cao - với 50 trường hợp (chỉ tính riên năm 2010). Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Danh Thuỳ, Chủ tịch UBND phường cho biết: Trên thực tế, phường chỉ có 31 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, giảm 50% so với năm 2009. Như vậy, có thể thấy có đến trên 40% thông báo vi phạm chuyển về phường không đúng tên, địa chỉ.  Do đó, việc xác minh để xử lý vi phạm ở cơ sở vì thế cũng sẽ khó khăn, không đảm bảo tính công bằng… Đây được xem là thực trạng chung của nhiều địa phương chứ không phải chỉ ở phường Hoàng Văn Thụ và Gia Sàng.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Minh Đức, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Việc thực hiện Thông tư số 22 ở tỉnh ta chưa đạt yêu cầu có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, do việc phối hợp giữa các đơn vị còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ; thứ hai là việc xác minh tên, địa chỉ của đối tượng vi phạm của cơ quan công an còn thiếu chính xác do mới chỉ căn cứ vào lời khai và đăng ký xe của người vi phạm. Do đó, ngoài việc chỉ đạo công an các cấp sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh chính xác tên, địa chỉ của đối tượng khi lập biên bản vi phạm, Phòng sẽ có văn bản cụ thể về thời gian chuyển thông báo về cở sở thay vì để đến cuối năm mới đưa về xóm, tổ dân phố như hiện nay. Ngoài ra, Phòng cũng đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp trong việc phản hồi kết quả kiểm điểm, giáo dục, xử lý ở cở sở cho cơ quan ra thông báo để theo dõi tổng hợp cũng như tạo sự giám sát chặt chẽ, đảm bảo tính công bằng trong xử lý vi phạm.

 

Hiện nay đang là thời điểm các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tổng hợp bình xét thi đua năm 2010, hy vọng các quy định của Thông tư số 22, sẽ được các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện đồng bộ ở cở sở, để những thông báo vi phạm về cơ sở thực sự phát huy tác dụng, từ đó nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT.