Ùn tắc và TNGT: Vấn nạn quốc gia

15:33, 03/11/2010

9 tháng qua, cả nước xảy ra trên 10.000 vụ tai nạn giao thông, làm trên 8.300 người chết, trên 7.400 người bị thương. Trung bình, mỗi ngày ở Việt Nam có 31 người chết và 28 người bị thương do TNGT.

   

Sự kiện ùn tắc giao thông tối ngày 10/10/2010 kéo dài vài giờ trên các tuyến đường đến Sân vận động Mỹ Đình - Hà Nội, mặc dù không xảy ra TNGT, đã để lại ấn tượng xấu trong xã hội; Vụ ôtô chở khách trôi theo dòng nước sông Lam trên Quốc lộ 1A đoạn qua Hà Tĩnh làm chết nhiều người trong trận mưa lũ trung tuần tháng 10 vừa qua tại miền Trung; Rồi biết bao vụ TNGT do thiếu tinh thần trách nhiệm, do bất cẩn của con người gây nên những cái chết đau long: vụ tàu Bắc Nam đâm vào ôtô chạy qua đường ngang, ôtô bị đổ do đường lún, các “hố tử thần”, các “lô cốt” sửa đường...

 

Ùn tắc giao thông và TNGT là vấn đề của nhiều quốc gia. Nhiều nước mặc dù có cơ sở hạ tầng rất tốt, phương tiện giao thông đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có hệ thống luật căn bản, nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tắc nghẽn, TNGT, đặc biệt vào giờ cao điểm kéo dài vài giờ liền làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của xã hội.

 

 Đâu là nguyên nhân?

 

Phải hiểu cả hai khía cạnh, một là nguyên nhân gây ùn tắc xét về nhiều mặt trước hết do tâm lý của mọi người ai cũng muốn về đích sớm, hai là do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp thời với sự phát triển của mức độ tăng phương tiện tham gia giao thông, do phân luồng giao thông chưa hợp lý; Luật giao thông chưa hoàn thiện, do ý thức chấp hành Luật Giao thông chưa cao, do xử lý các vụ việc xảy ra chưa kịp thời, thiếu nhạy bén, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh; công tác giáo dục, thông tin tuyên truyền còn kém. Đây là những nguyên nhân chính gây TNGT.

 

Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân có tác động trực tiếp đến TNGT như chất lượng tuyến đường giao thông, phóng nhanh vượt ẩu quá tốc độ cho phép, đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm quy định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; vượt đèn đỏ; không đội mũ bảo hiểm; thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông, biển báo thiếu, đèn chiếu sáng mập mờ, đặc biệt các “điểm đen”, người lái xe không đảm bảo sức khoẻ điều khiển phương tiện giao thông, không có bằng lái; xe quá thời gian lưu hành, chở quá tải…

 

9 giải pháp hữu hiệu…

 

Giải pháp là gì? Muốn giảm ùn tắc và giảm thiểu TNGT phải thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp sau đây:

 

Số phương tiện tham gia giao thông ngày một tăng. Tính đến tháng 9/2010, số lượng ôtô, môtô của cả nước có 32.328.637 chiếc. Trong đó, ôtô là 1.663.556 chiếc (Hà Nội và T.P HCM là 1 triệu chiếc), môtô là 30.665.081 chiếc (Hà Nội và T.P HCM 7,6 triệu). Con số thống kê cũng cho thấy, cứ 10.000 phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì xảy ra 3 vụ TNGT làm 3 người chết, 2 người bị thương.

 

Một là: Hoàn thiện văn bản luật pháp về lĩnh vực giao thông, đặc biệt chú trọng đến các văn bản dưới luật, các nghị định, chỉ thị, thông tư hướng dẫn sửa đổi bổ sung ban hành kịp thời. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT; tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông, hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; tổ chức hội thảo, tọa đàm, tập huấn, hội thi về ATGT; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ. Nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các chuyên mục ATGT của các đài phát thanh - truyền hình trung ương và địa phương.

 

Hai là: Ngành Giáo dục và Đào tạo duy trì hoạt động giáo dục pháp luật ATGT trong trường học, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật ATGT trong học sinh, sinh viên, thường xuyên giáo dục học sinh đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, không điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi quy định, chưa có giấy phép lái xe.

 

Ba là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục vận động hội viên, đoàn viên gương mẫu giữ gìn trật tự an toàn giao thông; tổ chức hội thảo, tọa đàm về xây dựng “Văn hóa giao thông”.

 

  

 Ùn tắc giao thông là vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới

 

Bốn là: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện; không đội mũ bảo hiểm…

 

Năm là: Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông, kịp thời khắc phục các “điểm đen” đã được xác định; nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý, rà soát, bổ sung các biển báo hiệu, sơn kẻ mặt đường. Tăng cường bảo đảm giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt trong mùa mưa lũ, khắc phục kịp thời ách tắc giao thông.

 

Sáu là: Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động vận tải khách bằng ôtô; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng lái xe an toàn cho đội ngũ lái xe, nhất là lái xe khách; đồng thời triển khai thực hiện các quy định về quản lý vận tải hành khách theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

 

Bảy là: Tăng cường bảo đảm trật tự ATGT đường thủy trong mùa mưa bão, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm chở quá tải, quá số người quy định, vi phạm luồng tuyến, phương tiện không đủ điều kiện an toàn. Vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ dụng cụ nổi cứu sinh, cặp phao cứu sinh cấp cho chủ đò tại các bến có lưu lượng người đi đò đông, tình hình giao thông đường thủy phức tạp.

 

Tám là: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông tại đường ngang đường sắt.

 

Chín là: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa phương, các tuyến đường có tai nạn giao thông tăng. Xây dựng Kế hoạch phối hợp các lực lượng tăng cường bảo đảm trật tự ATGT trong các ngày lễ hội, Tết.

 

Kinh nghiệm từ Trung Quốc

 

Trung Quốc có nhiều ý tưởng giải pháp rất kịp thời cho bài toán giảm ùn tắc và TNGT: Chế tài xử phạt rất nặng; hạn chế môtô, tăng phí đăng ký xe môtô, những ngày trọng đại của đất nước quy định biển số chẵn, lẻ đối với xe ôtô theo ngày trong tuần được phép vào Thủ đô, thành phố; mở rộng vành đai giao thông, phát triển nhiều loại hình xe công cộng, ý tưởng chế tạo loại ôtô buýt gầm cao hai tầng nhiều toa chạy trong thành phố; xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường tàu cao tốc; triển khai kênh Giao thông quốc gia bằng sóng FM, mặc dù có hệ thống hướng dẫn giao thông qua vệ tinh GPS. Đây cũng là quan điểm chung về truyền thông của các nước phát triển trên thế giới hiện nay như Nhật, Pháp, Mỹ…

 

Hiện nay Đài Tiếng nói Viêt Nam đang khai thác có hiệu quả kênh VOV Giao thông tại Thủ đô Hà Nội (từ ngày 18/5/2009) sử dụng công nghệ mới camera không dây, hệ thống 100 CAM, FM10kW và TP. Hồ Chí Minh (từ ngày 15/12/2010), hệ thống 200 CAM, FM20KW, 91MHZ. Tiếp tục triển khai kênh này trên phạm vi toàn quốc theo kế hoạch của Chính phủ. Kênh VOV Giao thông FM91MHZ là kênh truyền thông chuyên biệt về giao thông của Đài TNVN, có sự phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương có liên quan./.